Dễ nhận thấy nhất là tại Tập đoàn Hòa Phát khi trong quý IV/2022, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu sụt giảm tới 42% so với cùng kỳ năm trước xuống chỉ còn 26.000 tỉ đồng. Kết quả này khiến lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát âm gần 2.000 tỉ đồng, tiếp tục giảm so với quý III cùng năm.
Kết quả kinh doanh thiếu thuận lợi trong quý khiến lũy kế cả năm 2022, Hòa Phát đạt doanh thu 142.000 tỉ đồng, giảm 5% so 2021. Vì vậy lợi nhuận sau thuế cả năm cũng mới đạt hơn 8.400 tỉ đồng, chỉ bằng 24% so với năm 2021.
Cũng tính chung cả năm qua, Hòa Phát ghi nhận số lượng cung cấp cho thị trường 7,2 triệu tấn thép, giảm 7% so với năm 2021, bao gồm phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC).
Trong đó đóng góp chính vào sản lượng bán hàng là thép xây dựng và HRC, với riêng thép xây dựng ghi nhận 4,2 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ và đóng góp 59% trong tổng sản lượng thép các loại.
Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành vật liệu xây dựng là Tổng Công ty Viglacera - CTCP cũng không có kết quả kinh doanh khả quan trong 3 tháng cuối năm.
Trong thời gian này, Viglacera ghi nhận 3.281 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021. Do biên lãi gộp của Viglacera trong quý này cũng giảm đáng kể khiến lợi nhuận gộp thu về giảm tới 20%, chỉ đạt hơn 714 tỉ đồng.
Đáng chú ý, các hoạt động tài chính, lợi nhuận nhận từ công ty liên doanh, liên kết của Viglacera cũng đều sụt giảm mạnh trong quý vừa qua khiến doanh nghiệp chỉ thu về gần 272 tỉ đồng lợi nhuận trong quý, giảm tới 45% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế trong quý cũng giảm gần một nửa, xuống chỉ còn 222 tỉ đồng.
Viglacera cho hay, nhu cầu thị trường sụt giảm thời gian qua ảnh hưởng đến hoạt động tiêu thụ các sản phẩm của mảng vật liệu xây dựng.
Trong đó, các sản phẩm chính của Tổng Công ty như nhóm sứ, nhóm gạch ngói đất sét nung đều ghi nhận sản lượng tiêu thụ giảm trong quý.
Cũng trong quý IV/2022, Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (Vnsteel) ghi nhận doanh thu 8.099 tỉ đồng, giảm 27,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 410,5 tỉ đồng.
Theo ông Lê Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Vnsteel, nhu cầu thị trường trong nước tiếp tục sụt giảm và duy trì ở mức thấp là nguyên nhân chính khiến các nhà máy thép phải điều chỉnh cắt giảm sản lượng hoặc thông báo dừng sản xuất do tiêu thụ chậm, tồn kho ở mức cao.
Dù vừa trải qua một giai đoạn buồn nhưng các doanh nghiệp thép và vật liệu xây dựng lại khá tin tưởng vào các dự báo thị trường năm 2023. Phía Tập đoàn Hòa Phát cho rằng, ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục.
Doanh nghiệp này đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt, tiếp tục đầu tư Khu Liên hợp Sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, cũng như phát triển thêm sản phẩm mới ngành hàng điện máy gia dụng...
Bước sang năm 2023, thị trường thép và ngành sản xuất vật liệu xây dựng đang chờ đợi những tín hiệu tích cực bởi theo thông lệ đầu năm là giai đoạn nhu cầu thép và vật liệu xây dựng tăng lên khi các công trình xây dựng gấp rút đẩy mạnh tiến độ.
Việc nền kinh tế Trung Quốc (vốn là thị trường nhập khẩu một lượng thép lớn của Việt Nam) mở cửa trở lại cũng là tín hiệu tích cực với các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Tuy nhiên theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngay từ những tháng cuối năm 2022, nhu cầu sụt giảm khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải tập trung giải quyết vấn đề hàng tồn kho giá cao, thậm chí dừng sản xuất.
Chính vì vậy nhu cầu thép năm nay có thể tăng mạnh hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là khi tồn kho thép của các doanh nghiệp vẫn còn cao, các nhà sản xuất cần thời gian để xử lý.
Với thực tế trên, VSA dự báo, thị trường sắt thép năm 2023 tiếp tục là năm khó khăn khi thị trường bất động sản gần như đóng băng.
Triển vọng trong tương lai của ngành phụ thuộc vào tiến độ giải ngân đầu tư công bởi đây sẽ là động lực tăng trưởng chính của các doanh nghiệp ngành Thép.
VLXD.org (TH/ Lao động)