Đó là loại diều tuabin với phần trên là một chiếc diều, còn ở phía dưới là một tuabin vận hành nhờ thuỷ triều.
Giống như một món đồ chơi lớn, nhưng đây được xem như một viên ngọc quý trong lĩnh vực công nghệ, được thiết kế nhằm sản xuất ra năng lượng từ thủy triều. Đó cũng là một loại diều, nhưng không giống với những chiếc diều thông thường được thả bay lên bầu trời, mà thay vào đó nó được sử dụng để lướt trên mặt nước, khai thác năng lượng từ đại dương.
Đó là loại diều tuabin với phần trên là một chiếc diều, còn ở phía dưới là một tuabin vận hành nhờ thuỷ triều. Biển Strangford Lough, Bắc Ireland, nơi thường xuyên chứng kiến thủy triều lên tới biên độ 4m với tốc độ trung bình 1,4m mỗi giây, đã được lựa chọn làm địa điểm lý tưởng để vận hành loại diều tuabin này.
Các kỹ thuật viên đang thử nghiệm diều tuabin.
Giải thích về cơ chế hoạt động của loại diều này, bà Heije Westberg, giám đốc kỹ thuật của Minesto - một công ty của Thụy Điển chuyên phát triển thiết bị khai thác nguồn năng lượng từ đại dương cho biết: “Chiếc diều được neo bởi một dây cáp ở dưới đáy biển. Trong dòng thủy triều, chúng ta có lực nâng chính là lực đẩy của nước. Những cánh diều bay về phía trước, làm tăng tốc độ dòng chảy qua tuabin lên đến 10 lần. Tuabin quay sẽ tạo ra điện".
Diều được trang bị nhiều thiết bị cảm biến, có sự linh hoạt khi chúng ta thay đổi một vài thông số, nó sẽ bay ở những độ cao khác nhau tùy thuộc vào nơi mà tốc độ dòng chảy thủy triều được xem là hợp lý nhất. Được làm từ vật liệu nhẹ nhưng có độ đàn hồi tốt cùng thiết kế thủy động lực hoàn toàn cho phép diều di chuyển trên mặt nước hòa hợp với dòng chảy thủy triều ở các tốc độ khác nhau.
Các nhà nghiên cứu đang đặt ra mục tiêu xây dựng và lắp đặt nhiều chiếc diều lớn hơn với chiều dài tới 12m, và mỗi chiếc diều như vậy được thiết kế để sản xuất đến 1,6 gigawatt điện mỗi năm. Giới khoa học cũng đang rất kỳ vọng về loại tuabin diều gió, diều thủy triều này sẽ trở thành nguồn năng lượng tuyệt vời cho Trái đất trong tương lai không xa, có thể giúp hạn chế tối đa phát thải khí cacbonic gây hiệu ứng nhà kính./.
Theo VOV
Ý kiến của bạn