Cơ sở sản xuất gạch không nung của một doanh nghiệp ở Kon Tum.
Để thực hiện lộ trình này, những năm qua, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum đề ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm khuyến khích sản xuất, sử dụng gạch không nung; đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động người dân và các doanh nghiệp đầu tư sản xuất gạch không nung nhằm thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ, bảo vệ môi trường.
Theo thống kê của UBND tỉnh Kon Tum, hiện nay, tổng sản lượng sản xuất gạch xây dựng trên địa bàn tỉnh khoảng 194,79 triệu viên/năm. Trong đó, lượng gạch tuynel đáp ứng được khoảng 50 triệu viên/năm; còn lại khoảng 144,79 triệu viên/năm là do các lò gạch thủ công cung cấp. Toàn tỉnh hiện có 205 cơ sở và 1 hợp tác xã sản xuất gạch đất sét nung với 313 lò thủ công (thành phố Kon Tum có 202 cơ sở và 1 hợp tác xã với 310 lò; huyện Sa Thầy có 3 cơ sở thuộc hộ cá thể với 3 lò).
Phát triển gạch không nung, từng bước thay thế gạch thủ công, tiến tới chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công là mục tiêu của tỉnh. Nhằm cụ thể hoá mục tiêu này, ngày 7/3/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 584-KH/UBND về việc phát triển vật liệu không nung đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và lộ trình giảm dần, chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn.
Theo lộ trình, từ năm 2018, toàn tỉnh giảm 107 lò gạch thủ công với sản lượng gạch sét nung giảm 38,57 triệu viên; năm 2019 sẽ giảm tiếp 72 lò với sản lượng giảm 26,67 triệu viên; năm 2020 sẽ giảm thêm 67 lò nữa với sản lượng giảm 24,79 triệu viên; việc phát triển sản xuất và sử dụng loại vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ tối thiểu 40% và đến năm 2025 sẽ xoá bỏ toàn bộ lò gạch thủ công.
Để cắt giảm lượng gạch đất sét nung thủ công, tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc phát triển gạch không nung. Theo đó, cùng với các doanh nghiệp đang sản xuất gạch không nung hiện có, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ tiếp tục xem xét, đồng ý các doanh nghiệp xin chủ trương đầu tư đối với 7 dự án sản xuất gạch không nung, nhằm bảo đảm đạt sản lượng 150 triệu viên/năm vào năm 2020, đáp ứng nhu cầu thị trường xây dựng của tỉnh. Chủ trương đề ra là tại tất cả các địa phương đều có các dây chuyền sản xuất gạch không nung để đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng trên địa bàn. Đối với sản xuất gạch tuynel, tỉnh Kon Tum vẫn tiếp tục giữ ổn định sản xuất, đảm bảo sản lượng đến năm 2020 đạt khoảng 110 triệu viên/năm.
Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại và Tư vấn công nghiệp tỉnh thuộc Sở Công thương triển khai và hoàn thành 12 đề án hỗ trợ sản xuất với tổng kinh phí hỗ trợ trên 1,6 tỷ đồng. Các đề án tập trung vào nội dung như hỗ trợ đổi mới và ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Trong đó có hỗ trợ đầu tư sản xuất gạch không nung, giúp doanh nghiệp hoàn thiện về công nghệ và quy trình sản xuất, để sản phẩm có chất lượng và giá thành rẻ hơn.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm nhằm khuyến khích sản xuất gạch không nung, tỉnh quy định đối với các công trình được đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài ngân sách và vốn vay của doanh nghiệp có vốn Nhà nước lớn hơn 30% thì bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung theo tỷ lệ 70% (ở địa bàn thành phố Kon Tum) và tỷ lệ 50% (ở các huyện). Riêng đối với các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tới 80% vật liệu xây dựng không nung trong tổng số vật liệu.
Thời gian qua, Sở Xây dựng đã ban hành nhiều công văn gửi đến các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, thẩm tra, tư vấn giám sát, các nhà thầu xây dựng trên địa bàn về việc sử dụng gạch không nung theo chủ trương chung. Sở Xây dựng sẽ tiếp tục đưa ra những chính sách khuyến khích người tiêu dùng trong thời gian sắp tới, nhất là thông qua tuyên truyền trực quan bằng các công trình đã sử dụng sản phẩm. Đồng thời, khuyến khích đầu tư sản xuất, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu xanh, thân thiện môi trường; trong đó có việc xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh sản phẩm gạch không nung đến tay người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng tỷ lệ sử dụng gạch không nung trong lĩnh vực xây dựng sẽ tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí… Vì vậy, tỉnh tiếp tục tuyên truyền những lợi ích mang lại từ việc sử dụng gạch không nung cùng với những tính năng ưu việt của nó; khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các dây chuyền hiện đại vào sản xuất có năng suất cao, để hạ giá thành sản phẩm gạch không nung nhằm nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trong thị trường vật liệu xây dựng. Cùng với đó, tỉnh cần ban hành một số chính sách và chế tài xử phạt đối với những cơ sở sản xuất gạch không đáp ứng các điều kiện quy định sản xuất, gây ô nhiễm môi trường; từ đó cơ hội để nhà đầu tư mạnh dạn hơn trong quyết định đầu tư vào thị trường đầy tiềm năng này.
Ðể thúc đẩy phát triển vật liệu xây dựng không nung, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 tại Quyết định số 567/QÐ-TTg ngày 28/4/2010; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung; và gần đây nhất là Nghị định 24a/2016/NÐ-CP ngày 5/4/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng; trong đó khuyến khích phát triển vật liệu xây không nung. |
VLXD.org (TH/ Báo Kon Tum)