Không nên coi tro xỉ nhiệt điện than là chất thải nguy hại.
Đó là khẳng định của PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam.
Có thông tin cho rằng, nhiệt điện than tạo ra hàng loạt kim loại nặng độc hại như thủy ngân, selen, arsen, chì, cadimi... Nhưng qua kiểm nghiệm thực tế, so với quy định của QCVN 07:2009/BTNMT, nồng độ các nguyên tố kim loại nặng có trong tro, xỉ nhiệt điện than nhỏ hơn từ vài chục lần tới mấy nghìn lần mức cho phép. Thậm chí, nồng độ này trong tro, xỉ còn thấp hơn nồng độ trong cơ thể động vật, không có gì phải lo ngại.
Trong bất kỳ một cơ thể sống nào cũng vậy, như vật chất vô cơ, từ đất đai đến cây cối và cơ thể người, động vật… đều có các hóa chất kim loại nặng; trong đó,với hàm lượng hợp lý, nhiều nguyên tố kim loại nặng trở thành vi chất cần thiết của cơ thể, không độc hại. Ví dụ, trong cơ thể người chúng ta cũng có chất sắt, làm cho máu đỏ. Trong sinh vật khác có chất đồng, chính là máu xanh. Hay kẽm trong cơ thể người giúp tăng cường khả năng sinh sản, duy trì nòi giống…
Những rào cản pháp lý đang cản trở tiêu thụ tro xỉ thải.
Do đó, PGS.TS Trương Duy Nghĩa khẳng định: tro, xỉ nhiệt điện than không phải chất nguy hại mà là tài nguyên. Nếu sử dụng tro, xỉ làm đường giao thông như gia cố nền (lâu nay làm bằng cát) dưới dạng bê tông đầm lăn sẽ rất tốt, giảm lượng đá cũng như cát khai thác từ các sông gây sạt lở bờ sông và lãng phí tài nguyên quốc gia. Đây chĩnh là lỗi của ngành giao thông khi không biết tận dụng vật liệu rẻ, tro, xỉ tốt và rẻ như vậy mà lại dùng cát rất đắt. Các đường cao tốc khu vực miền Trung, nếu sử dụng tro, xỉ của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân sẽ rất tốt và tiết kiệm rất nhiều chi phí.
Hiện nay, theo quy định tại Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 về một số giải pháp thực hiện xử lý tro xỉ, thạch cao của NMNĐ, phân bón làm VLXD: bãi chứa tro, xỉ ở một số nhà máy chỉ được sử dụng trong 2 năm. Theo nhiều chuyên gia, Chính phủ cần có quy định “cứng” để các ngành giao thông, xây dựng sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp, vật liệu xây… tái sử dựng chứ không phải kêu gọi, hô hào.
Tại Vương quốc Anh hằng năm nhập khẩu hàng triệu tấn tro, xỉ về làm vật liệu xây dựng. Tại Trung Quốc, nhiệt điện than chiếm 79% công suất đặt hệ thống (nhiều hơn công suất điện của cả nước Mỹ) với lượng tro, xỉ khổng lồ lên đến hàng trăm triệu tấn và hầu hết được tái sử dụng làm vật liệu xây dựng. Đặc biệt, từ năm 2003, Chính phủ Trung Quốc đã có quy định cấm dùng gạch nung và mỗi năm đất nước này cần 600 tỉ viên gạch chủ yếu từ tro, xỉ nhiệt điện than. Họ cho rằng, nếu không sử dụng tro xỉ, Trung Quốc sẽ phải khai thác lượng đất sét khổng lồ làm gạch.
Nhật Bản sử dụng 100% lượng tro, xỉ, Hàn Quốc 97% (3% còn lại là than kém chất lượng). Ở châu Âu, một số nước dùng nhiều nhiệt điện than như Đức, Ba Lan, Séc cũng sử dụng hầu hết lượng tro, xỉ, không để lãng phí như nước ta.
Có thể tái sử dụng đa dạng và hiệu quả.
Theo tính toán, 10 triệu tấn tro xỉ mỗi năm sẽ làm được 5 tỉ viên gạch đặc theo kích thước chuẩn, hoặc 10 tỉ viên gạch rỗng. Đến năm 2030, Việt Nam cần 40 tỉ viên gạch không nung, nhưng khả năng đáp ứng chỉ được 10-20 tỉ viên.
Hiện nay, tổng lượng tro xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện chạy than trên cả nước hiện nay khoảng 15 triệu tấn/năm. Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, đến năm 2030, lượng tro, xỉ sẽ tới trên 20 triệu tấn/năm. Từ nguồn tro xỉ này có thể sản xuất tới 10 tỉ viên gạch rỗng, đáp ứng 25% nhu cầu gạch xây trên cả nước.
Cũng có những lo ngại là trong than nội địa có nhiều tro và có than chưa cháy hết, chiếm 15% lượng tro, xỉ. Loại này không nên làm vật liệu xây dựng, nhưng có thể khử cacbon để làm than tổ ong. Ngoài ra, tro bay có thể làm phụ gia xi măng.
Nguồn tro xỉ có thể sản xuất ra các loại vật liệu xây không nung.
Nếu tất cả DN sản xuất vật liệu xây dựng cùng vào cuộc, biến tro, xỉ thành sản phẩm có ích, chúng ta không cần bận tâm đến tro, xỉ nữa. Bên cạnh đó, do than nhập khẩu gần như đốt cháy kiệt, thải ra rất ít tro, nên nếu đến năm 2030, lượng than nhập khẩu tăng lên và chiếm 3/4 than cho sản xuất điện thì nhiều nhà máy nhiệt điện cũng gần như không còn bãi tro.
Tro xỉ còn được sử dụng rất nhiều trong sản xuất xi măng, phụ gia bê tông: Tro bay được sử dụng thay thế đất sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Khi tác dụng với nước, tro bay phản ứng với hydroxit canxi được giải phóng từ phản ứng hóa học giữa xi măng và nước, tạo thành sản phẩm kết dính, góp phần nâng cao chất lượng bê tông. Trong số 67,3% tro bay được sử dụng để sản xuất xi măng năm 2011, có 1,6% được sử dụng làm xi măng phối liệu hoặc phụ gia bê tông.
Làm vật liệu san lấp, kè đường: Tro đáy thường nhẹ hơn cát, không thấm nước, hút không khí và giữ nước cao. Tro đáy được sử dụng làm kè đường vì rất nhẹ, làm vật liệu san lấp mặt bằng. Đối với tro bay, để tăng độ bền và khả năng chịu lực, cần bổ sung các chất kết dính hóa học như vôi và xi măng. Hỗn hợp này có thể sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng, kè đường, nền đường, cải tạo mặt bằng và lấp hố chứa bùn.
Làm vật liệu kiến trúc: Tro từ các nhà máy nhiệt điện than có độ cách nhiệt cao, cách âm tốt và không cháy. Tận dụng những đặc tính này, tro bay đáy được sử dụng làm vách ngăn và vật liệu cách âm.
Do vậy, ngay lúc này, các cơ quan chức năng, chủ đầu tư, người dân… phải nhận thức rõ và đúng đắn để có giải pháp quản lý, sử dụng, khai thác nguồn tài nguyên quan trọng này.
Vlxd.org (TH/Petrotimes)