Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Phát triển vật liệu không nung

Đà Nẵng: Vật liệu xây không nung chưa được sử dụng phổ biến

13/04/2016 - 05:42 CH

Chuyển đổi sản xuất gạch, ngói bằng đất sét nung sang công nghệ không nung, bảo vệ môi trường, bảo vệ đất canh tác đã được Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Thế nhưng khi triển khai chủ trương này ở Đà Nẵng vẫn chưa đạt nhiều hiệu quả thực sự như mong đợi bởi nhiều nguyên nhân từ phía của cơ quan quản lý nhà nước đến, doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án và người dân.

Hai công trình cạnh nhau, một sử dụng gạch sét nung và một sử dụng gạch không nung, dù biết gạch không nung có nhiều tính năng ưu việt nhưng nhiều người dân vẫn thờ ơ
.

Cần thay đổi thói quen của người sử dụng

Những hậu quả từ việc sản xuất sản phẩm gạch, ngói bằng đất sét nung để lại ai cũng biết. Để sản xuất 1 tỷ viên gạch đất sét nung có kích thước tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu mét khối đất sét, tương đương 75ha đất nông nghiệp và 150.000 tấn than, thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường. Nếu kéo dài thì không lâu nữa Việt Nam sẽ mất đất canh tác, tiêu tốn hàng triệu tấn than mỗi năm, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Sản phẩm vật liệu xây không nung (VLXKN) sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực về mặt kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, đồng thời sẽ hạn chế các bất lợi trên. Ngoài ra còn giúp tiêu thụ một phần đáng kể phế thải các ngành khác như: nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng... góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm chi phí xử lý phế thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới một đất nước phát triển bền vững.

Ngay cả người sử dụng cũng biết điều này. Và dù VLXKN có nhiều tính năng ưu việt đi nữa nhưng vẫn không được chấp nhận bởi thói quen sử dụng gạch, ngói bằng đất sét nung đã ăn sâu bao đời nay trong người dân. Nguyên nhân nữa là do những người thợ xây. Bản thân VLXKN có độ cứng, độ bền cao. Trong khi đó những người thợ xây vì muốn tiện, muốn khỏe cho công việc của mình nên cứ chọn gạch sét nung bởi loại gạch sét nung mềm dễ chặt bằng bay, thích đâu chặt đó. Vì vậy, khi nói đến gạch không nung thì hầu như người thợ xây nào cũng tỏ thái độ thờ ơ.

Chúng ta còn nhớ cách đây gần 10 năm (năm 2007) khi nhà nước có chủ trương đội mũ bảo hiểm cũng gặp sự phản ứng của người dân do không quen sử dụng. Nhưng giờ đây, khi ra đường, chính chúng ta nhìn thấy những người không đội mũ bảo hiểm thì lại có cái nhìn phản cảm, đánh giá họ thiếu ý thức.

Những ngày giá lạnh cực điểm của mùa đông vừa qua, rồi những ngày tháng Tư trời nắng nóng như đổ lửa, 32-35 độ C hiện giờ mà chúng ta đang chịu đựng chính là hậu quả của biến đổi khí hậu. Chúng ta đâu biết rằng chính chúng ta đang phá hủy môi trường, phá hủy sinh thái làm cho khí hậu thay đổi. Chính chúng ta là người đang nhận lấy những hậu quả ở hiện tại. Còn tương lai như thế nào thì chưa ai dám chắc.

Đối với VLXKN cũng vậy. Tại sao một sản phẩm tốt, một chủ trương đúng, bảo vệ chính môi trường sống của chúng ta không những hôm nay mà cho cả thế hệ mai sau lại không có sự quyết liệt thực hiện hay sự chế tài từ các cơ quan quản lý nhà nước cũng như địa phương để quyết tâm thực hiện.

Doanh nghiệp tự bơi

Sau Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình VLKN đến năm 2020 và Chỉ thị tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, Công ty CP Đầu tư Nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt đầu tư nhà máy sản xuất VLXKN tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Đây là một trong ba nhà máy sản xuất VLXKN tiên phong của Đà Nẵng.

Theo đó, nhà máy sản xuất VLXKN Thành Đạt được đầu tư theo công nghệ ép tỉnh nhằm khai thác được tiềm năng và thế mạnh về nguồn nguyên liệu sản xuất với trữ lượng lớn của địa phương. Loại sản phẩm này được tạo nên bởi các chất liệu rẻ như: Bột đá, xi măng, cát sông, xỉ than từ các lò hơi, xỉ quặng... Sau khi định hình, không phải sử dụng nhiệt để nung đỏ viên gạch mà nhờ vào lực ép cường lực (ép tỉnh) tạo sự kết dính và gia tăng độ bền của viên gạch.

Nhà máy được đầu tư với công suất thiết kế 43,5 triệu viên gạch QTC/năm (Quy về gạch tiêu chuẩn 60x105x200mm). Sản phẩm được sản xuất đa dạng chủng loại, màu sắc, kích thước đồng đều và tính thẩm mỹ cao như gạch xây 2 lỗ, 4 lỗ, 6 lỗ, gạch đặc với chất lượng cao đáp ứng tất cả nhu cầu xây dựng cho các công trình xây dựng.
 

Sản phẩm, gạch, ngói không nung của Thành Đạt với nhiều mẫu mã, màu sắc và nhiều tính năng ưu việt từng bước xâm nhập vào thị trường xây dựng tại Đà Nẵng.

Ông Huỳnh Thế Trung, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Sản phẩm VLXKN có nhiều ưu điểm hơn so với gạch đất sét nung đó là cường độ chịu lực có thể đáp ứng theo nhu cầu sử dụng. Đây là đặc tính mà gạch nung không thể chịu được. Khả năng cách âm, cách nhiệt, chống thấm cao. Kích thước viên gạch lớn cho phép giảm được chi phí nhân công, đạt được tiến độ nhanh hơn cho các công trình xây dựng. Ngoài ra lượng vữa dùng để xây tường bằng gạch không nung và trát giảm tới 2,5 lần so với gạch đất nung. Tiết kiệm được thời gian và tài chính, đơn giản hoá được một số khâu trong quá trình xây dựng. Gạch không nung được sản xuất từ công nghệ, thiết bị tiên tiến sẽ có các giải pháp khống chế và đảm bảo chất lượng hoàn thiện, quy cách sản phẩm chuẩn xác, có hiệu quả trong xây dựng rõ ràng, phù hợp với các TCVN do Bộ Xây dựng công bố.

Để bán được sản phẩm, các đơn vị sản xuất VLXKN hầu như phải tự bơi giữa thị trường bởi thách thức của một sản phẩm truyền thống vốn đã ăn sâu vào thói quen của người dân Việt Nam, đặc biệt là đối với khu vực nông thôn của các huyện vùng ven đô thị.

Trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay, tốc độ xây dựng cao nhưng những công trình sử dụng VLXKN hầu như chiếm tỷ lệ quá nhỏ. Một số công trình sử dụng vốn ngân sách của địa phương có sử dụng VLXKN nhưng các công trình xây dựng cũng quá ít. Các công trình xây dựng do các doanh nghiệp đầu tư sử dụng VLXKN thì đếm trên đầu ngón tay. Công trình xây dựng của hộ gia đình sử dụng lượng lớn sản phẩm thì chỉ “lèo tèo” vài nhà sử dụng trong tổng số hàng ngàn ngôi nhà đang triển khai xây dựng.

Rõ ràng, chưa có sự quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương đối với vấn đề sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng, nhất là chưa thực sự quan tâm đến Quyết định 567/QĐ/TTg đối với lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, sử dụng gạch không nung, loại vật liệu thân thiện với môi trường. 

Theo Báo Xây dựng
 

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng