Tính đến năm 2020, ngành xây dựng Việt Nam đã trải qua 62 năm hình thành và phát triển. Trong bối cảnh nước ta hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, ngành đã có những bước tiến đáng kể nhằm đáp ứng nhu cầu về xây dựng, thực hiện được những công trình quy mô lớn, đòi hỏi chất lượng cao và công nghệ hiện đại, mang đến niềm tự hào cho ngành xây dựng Việt Nam. Trong đó, chất lượng công trình là một trong những vấn đề then chốt ngày càng được quan tâm.
Khả năng chịu lực và thẩm mỹ của khối xây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng của công trình. Chất lượng của khối xây phụ thuộc vào các yếu tố như kỹ thuật thi công, cường độ gạch, cường độ vữa xây, độ bám dính giữa gạch và vữa. Trong đó, mức độ liên kết giữa gạch và vữa phụ thuộc lớn vào độ hấp thụ nước của gạch và khả năng giữ nước của vữa. Đây là lượng nước cần thiết cho quá trình thủy phân của xi măng tại vị trí tiếp xúc giữa viên gạch với vữa. Nếu khả năng hấp thụ nước của gạch lớn hơn khả năng giữ nước của vữa, gạch sẽ hút nước từ vữa nhanh, dẫn đến việc vữa bị thiếu nước, nhanh chóng khô cứng, làm cho sự kết dính gạch - vữa bị yếu. Ngược lại, nếu khả năng giữ nước của vữa lớn hơn khả năng hấp thụ nước của gạch, vữa sẽ lâu khô, đẫn đến công tác xây gặp khó khăn và chậm trễ. Cả hai trường hợp trên đều dẫn cường độ chịu lực của khối xây bị giảm.
Do vậy, sự cân bằng giữa độ hút nước ban đầu của gạch và khả năng giữ nước của vữa là rất quan trọng. Trong trường hợp lý tưởng, khả năng hấp thụ nước của gạch và khả năng giữ nước của vữa phải tương đương nhau.Vì vậy, khi thi công chúng ta cần phải xác định được độ hút nước ban đầu của gạch để sử dụng vữa cho phù hợp.
Khả năng hấp thụ nước trong khoảng thời gian phản ứng thủy phân xi măng trong vữa diễn ra mạnh nhất được thể hiện bằng khái niệm độ hút nước ban đầu (khả năng hấp thụ nước ban đầu) IRA - Initial Rate of Absorption.
Độ hút nước ban đầu của gạch được hiểu là đặc tính hấp thụ nước của gạch, được đo bằng lượng nước hấp thụ trong một phút trên một đơn vị diện tích bề mặt của vật liệu ở điều kiện tiêu chuẩn. Ở các nước như Mỹ, Úc… chỉ số IRA rất được coi trọng. Theo tiêu chuẩn xây dựng ASTM C67 của Mỹ chỉ số IRA của gạch từ 10gr đến 30gr. Gạch có giá trị IRA lớn hơn 30gr được coi là gạch khô, cần vữa có khả năng giữ nước cao (nhiều nước), khi xây dựng chúng ta cần phải làm ướt gạch trước nhằm giảm bớt mức độ hút nước của viên gạch. Ngược lại, nếu gạch có chỉ số IRA thấp, cần sử dụng vữa có độ ẩm thấp (ít nước) bằng cách tăng tỷ lệ cát trong hỗn hợp vữa. Thông thường IRA được xác định trong phòng thí nghiệm. Nhưng trên thực tế, chúng ta có thể xác định bằng phương pháp đơn giản như sau: nhỏ 20 giọt nước trên 1/4 bề mặt viên gạch rồi đo thời gian hấp thụ của nó. Nếu các giọt nước được hấp thụ hết trong vòng 1.5 phút, tức là gạch bị khô và cần phải dưỡng ẩm trước sử dụng.
Liên quan đến độ ẩm của gạch, ngoài độ hút nước ban đầu còn có một khái niệm khác là độ ngậm nước hay độ hút nước toàn phần. Đây là hai khái niệm khác nhau, cần có sự phân biệt rõ ràng: độ hút nước toàn phần của gạch là khả năng hút và giữ nước của gạch ở điều kiện thường và được xác định bằng cách ngâm mẫu thử nghiệm vào trong nước có nhiệt độ 20 ± 0,5oC trong vòng 24 tiếng.
VLXD.org (TH/ Tạp chí VLXD)
Ý kiến của bạn