Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Phát triển vật liệu không nung

Phát triển VLXKN góp phần tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

17/09/2020 - 08:36 SA

Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg, ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, tất cả các cơ sở lò gạch thủ công, lò đứng liên tục trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã dừng hoạt động và tháo dỡ, toàn tỉnh có 13 đơn vị tham gia đầu tư, sản xuất VLXKN và VLXKN đã được sử dụng rộng rãi trong các công trình vốn ngân sách nhà nước, cũng như các công trình vốn ngoài ngân sách.
Thực hiện định hướng phát triển đất nước bền vững, kết hợp hài hòa các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường, việc đẩy mạnh phát triển vật liệu xây không nung là rất cần thiết. Việc sử dụng vật liệu xây không nung sẽ góp phần hạn chế hoạt động sản xuất gạch đất sét nung. Đây là vấn đề có ý nghĩa lớn đối với việc tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Do ở nước ta, việc sử dụng gạch đất sét nung đã làm tiêu tốn hàng nghìn hecta đất nông nghiệp, hàng triệu tấn than mỗi năm, đồng thời thải ra hàng trăm nghìn tấn khí CO2 và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, sản xuất vật liệu xây không nung còn có thể kết hợp tiêu thụ chất thải từ các ngành khác như: nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng... góp phần giảm các chi phí xử lý chất thải, đem lại nhiều hiệu quả tích cực về các mặt kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường. Từ những lợi ích thiết thực đó, nên việc khuyến khích phát triển sản xuất vật liệu xây không nung được các địa phương trong cả nước nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng quan tâm thực hiện.
 
Phát triển vật liệu xây không nung góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
 
Trong thời gian qua, các đơn vị tham gia đầu tư, sản xuất vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã được tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ đầu tư, ưu đãi đầu tư bằng các nguồn vốn từ chính sách khuyến công, đổi mới khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ, ưu đãi về thuế theo quy định. Trên địa bàn tỉnh hiện có 13 đơn vị tham gia đầu tư, sản xuất vật liệu xây không nung (với 15 nhà máy, dây chuyền), các nhà máy đã được đầu tư và đi vào hoạt động sản xuất, chủ yếu sản xuất chủng loại gạch bê tông cốt liệu, theo công nghệ ép rung thủy lực. Trên địa bàn tỉnh chưa có các cơ sở, nhà máy chế tạo dây chuyền, thiết bị để sản xuất vật liệu xây không nung. Dây chuyền, thiết bị máy móc để sản xuất vật liệu xây không nung chủ yếu được nhập từ các tỉnh khác và Trung Quốc. Công suất thiết kế của các dây chuyền từ 5 - 25 triệu viên/năm, với tổng công suất thiết kế khoảng 143,5 triệu/năm.

Trong các đơn vị tham gia vào sản xuất vật liệu xây không nung trên, có khoảng 4 - 6 đơn vị có khả năng đầu tư thêm dây chuyền, nhà máy, tăng sản lượng sản xuất, công suất thiết kế lên 30 - 40 triệu viên/năm nếu đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ còn hạn chế nên sản lượng sản xuất của các nhà máy trên địa bàn tỉnh còn thấp, chưa phát huy được tối đa công suất thiết kế, trong năm 2019, sản lượng sản xuất của 15 nhà máy đạt được 44,5 triệu viên, chiếm 31,01% so với tổng công suất thiết kế, trong đó, tiêu thụ được 43,92 triệu viên. Ngoài các nhà máy, vật liệu xây không nung (chủng loại xi măng - cốt liệu) còn có khoảng 90 - 100 cơ sở, hộ cá thể tham gia sản xuất tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, hàng năm cung ứng cho thị trường khoảng 30 - 40 triệu viên gạch.

Các đơn vị sản xuất vật liệu xây không nung luôn quan tâm đến chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Việc đăng ký và công bố chất lượng sản phẩm hàng hóa, chấp hành các quy định về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã được các đơn vị sản xuất tuân thủ, có 08/13 đơn vị sản xuất có sản phẩm đã đăng ký và được Sở Xây dựng công bố Hợp quy sản phẩm các chủng loại gạch, 05 đơn vị chưa hoàn thành chứng nhận Hợp quy do sản lượng sản xuất thấp, chưa ổn định hoặc đang dừng hoạt động do tình hình sản xuất, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Dự kiến các nhà máy sản xuất vật liệu xây không nung đi vào hoạt động ổn định sẽ cung ứng sản lượng khoảng hơn 143,5 triệu viên gạch QTC/năm, đảm bảo sản lượng đã đề ra theo Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung của tỉnh.

Trong những năm qua, việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã được các ngành, các cấp quan tâm triển khai thực hiện theo quy định. Vật liệu xây không nung đã được sử dụng rộng rãi trong các công trình vốn ngân sách nhà nước, các công trình vốn ngoài ngân sách, tỷ lệ sử dụng vật liệu xây đạt theo quy định tại Thông tư 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 và Thông tư số 13/2017/TT-BXD ngày 08/12/2017 quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng, nhiều công trình dự án đã sử dụng 100% vật liệu xây không nung, vượt mức quy định tối thiểu quy định tại hai Thông tư trên. Các dự án sản xuất gạch thủ công đã được xóa bỏ theo lộ trình đạt 100% so với kế hoạch đề ra, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chỉnh phủ tại Chỉ thị số 10/TC-TTg ngày 16/4/2012 về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung.

Để tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất vật liệu xây không nung, năm 2014, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Kế hoạch số 252/KH-UBND ngày 24/02/2014 về việc thực hiện lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng (lò hoffman) sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2020. Theo Kế hoạch có 6 huyện, thành phố có các cơ sở sản xuất lò gạch thủ công, lò đứng liên tục cần xóa bỏ theo lộ trình. Các huyện, thành phố đã thông báo, tuyên truyền vận động đến các cơ sở yêu cầu dừng hoạt động, sản xuất, lập hồ sơ xử lý, cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Đến cuối năm 2017 đầu năm 2018, 06 huyện, thành phố đã tháo dỡ, dừng hoạt động 100% lò gạch thủ công.

Hiện nay, năng lực sản xuất vật liệu xây không nung đã đạt được mục tiêu nhưng sản lượng sản xuất còn thấp, các cơ sở sản xuất không phát huy được hết công suất thiết kế do khó khăn trong tiêu thụ vật liệu xây không nung; một số cơ sở (hộ cá thể), doanh nghiệp nhỏ sản xuất gạch bê tông - xi măng với công suất nhỏ lẻ, chưa quan tâm đến tiêu chuẩn chất lượng; Sản phẩm không đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn tiêu thụ ra thị trường, gây tác động tiêu cực cho người tiêu dùng, sử dụng vật liệu xây không nung; Một số sản phẩm sản xuất của các cơ sở, hộ cá thể chưa được chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy, do vậy khó khăn cho việc tiêu thụ để xây dựng các công trình vốn ngân sách Nhà nước; Số dự án cấp chủ trương sản xuất gạch không nung chủ yếu là loại xi măng - cốt liệu, các sản phẩm khác như vật liệu nhẹ (gạch từ bê tông khí chưng áp, gạch từ bê tông khí không chưng áp, gạch từ bê tông bọt, tấm panel từ bê tông khí chưng áp), tấm tường thạch cao, tấm 3D chưa được quan tâm nhiều và chưa có nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh…

Nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu là do: Nguyên liệu vật liệu đá cho sản xuất gạch của một số đơn vị sản xuất gạch bê tông - xi măng còn khó khăn (giá thành nguyên vật liệu đầu vào cao; một số nhà máy không có mỏ khai thác đá làm nguyên liệu sản xuất; thủ tục cấp phép khai thác đá còn nhiều khó khăn); Các nhà máy sản xuất gạch không nung phân bố không đồng đều trên địa bàn tỉnh, gây khó khăn cho công tác vận chuyển, tiêu thụ (giá thành cao khi vận chuyển đi xa); Việc tiêu thụ vật liệu xây không nung khó khăn do thói quen sử dụng gạch nung đã lâu; việc thiết kế đưa sử dụng gạch không nung, thiết kế kết cấu công trình còn nhiều khó khăn do nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về vật liệu xây không nung còn chưa đầy đủ, chưa hiểu biết nhiều về sản phẩm vật liệu xây không nung; Các cơ sở sản xuất (hộ cá thể, doanh nghiệp nhỏ) còn thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn còn hạn chế, nên một số doanh nghiệp chỉ nhập các dây chuyền công nghệ với trình độ trung bình, thiếu đồng bộ; công tác chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất và tiếp thu công nghệ chưa tốt; giai đoạn đầu đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật chưa được đào tạo đầy đủ; các nhà máy vừa sản xuất vừa điều chỉnh nên chất lượng sản phẩm chưa ổn định; Công tác bảo quản sản phẩm khi lưu kho và vận chuyển chưa đúng quy trình đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm…

Để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như:

Một là: tiếp tục thông tin, tuyên truyền phổ biến Chương trình 567, Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ với nhiều hình thức (tổ chức hội nghị hoặc lồng ghép trong các hội nghị giao ban, hội nghị chuyên đề, hoặc tổng hợp số liệu xây dựng báo cáo,...), tới các Sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội thấy được lợi ích của việc sử dụng vật liệu xây không nung.

Hai là: tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung đặc biệt là vật liệu xây không nung loại nhẹ, tấm tường,... nhằm đa dạng hóa sản phẩm, dễ dàng trong thi công, cạnh tranh và giảm giá thành sản phẩm.

Ba là: tạo điều kiện để các lãnh đạo, chủ các cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung, cán bộ, công nhân kỹ thuật tại các cơ sở đó được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn về sản xuất và tiêu thụ gạch không nung trong và ngoài tỉnh.

Bốn là: đối với các dự án đầu tư mới, đầu tư cải tạo cần lựa chọn công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại; tiêu hao nguyên, nhiên liệu, năng lượng thấp, góp phần tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và tuân thủ các yêu cầu của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Năm là: hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các đơn vị thực hiện Thông tư số 19/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 của Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng; Tăng cường công tác kiểm tra thực hiện Thông tư 13/2017-TT-BXD ngày 08/12/2017 của Bộ Xây quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng.

VLXD.org (TH/ KHCN Cao Bằng)

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng