>> Phần 1: Thực trạng sản xuất Bê tông khí chưng áp (AAC) ở Việt Nam>> Phần 2: Tình hình sử dụng bê tông khí chưng áp (AAC) ở Việt NamPhần 3: Những thách thức trong sản xuất và sử dụng bê tông khí chưng áp (AAC)
Theo đánh giá của TS. Thái Duy Sâm, sản xuất và sử dụng bê tông khí chưng áp (AAC) ở Việt Nam hiện nay đang gặp phải những khó khăn, thách thức chính như sau:
1. Về công nghệ sản xuấtNguyên liệu sử dụng: Hầu hết các nhà máy chưa có nguồn nguyên liệu ổn định với chất lượng cao, đặc biêt là vôi và bột nhôm.
Hiện nay ở Việt Nam chưa có đơn vị nào chuyên sản xuất vôi làm nguyên liệu cho sản xuất AAC; do đó hầu hết các nhà máy sử dụng vôi chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng, tốc độ tôi nhanh, thành phần không ổn định vì lấy vôi từ các nguồn khác nhau. Một số nhà máy đã xử lý điều chỉnh tốc độ tôi của vôi, nhưng lại làm giảm chất lượng vôi ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; không phân tích đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng của vôi.
Các nhà máy đều sử dụng bột nhôm dạng paste nhập từ Trung Quốc hoặc bột nhôm Việt Nam sản xuất; đều thuộc loại chất lượng không cao (độ mịn thô, thành phần hạt không đều, hàm lượng nhôm không cao và không ổn định), do đó phải dùng lượng bột nhôm lớn dẫn tới kích thước lỗ rỗng trong bê tông khí chưng áp không đều, độ ổn định chất lượng bê tông khí chưng áp không cao.
Hầu hết các nhà máy chưa quan tâm đến việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu sử dụng; chỉ kiểm tra một số chỉ tiêu chất lượng của vôi, cát, các nguyên liệu khác chỉ căn cứ vào chứng chỉ chất lượng do người bán cung cấp, một số nhà máy không có điều kiện kiểm soát chất lượng nguyên liệu đưa vào sản xuất.
Quy trình công nghệ: Do chưa làm chủ được công nghệ nên việc quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng ở các nhà máy bê tông khí chưng áp vẫn còn nhiều bất cập. Hầu hết các đơn vị chưa xây dựng tiêu chuẩn cơ sở quy trình công nghệ sản xuất, quy trình quản lý chất lượng của nhà máy. Các thông số công nghệ cụ thể chưa được xác định chính xác và khống chế chặt chẽ ảnh hưởng đến độ ổn định chất lượng sản phẩm.
Các nhà máy chưa có phương pháp tính thành phần phối liệu hồ AC để xác định thành phần hợp lý cho từng loại sản phẩm và điều chỉnh thành phần khi cần thiết (chất lượng nguyên liệu thay đổi, điều kiện công nghệ có biến động, …); hàm lượng xi măng và vôi trong thành phần hỗn hợp hồ AC còn cao.
Các nhà máy chưa lắp đặt hệ thống tự động điều khiển chế độ chưng áp, nên chưa khống chế chặt chẽ và chính xác các thông số, độ giao động áp suất còn lớn, trong khoảng 1 at (trong khi yêu cầu không lớn hơn 0,2 at) thậm chí có lúc còn tăng đột ngột; thời gian lưu các khối AC sau khi cắt đến lúc chưng áp; thời gian tăng áp, hằng áp, giảm áp chưa được xác định hợp lý và khống chế chặt chẽ; v.v dễ gây nứt vở sản phẩm, ảnh hưởng đến quá trình hình thành vi cấu trúc và chất lượng của AAC. Chưa tận dụng chuyển hơi nước giữa các autoclave để tiết kiệm nhiệt và thời gian.
Chuyển giao và tiếp nhận công nghệ: Công nghệ sản xuất bê tông khí chưng áp mới được du nhập vào Việt Nam từ năm 2009, do công ty TNHH Thiết bị xây dựng Dongyue ShanDong -Trung Quốc (ShanDong Dongyue Building Machine Co. LTD) cung cấp thiết bị và hướng dẫn sản xuất.
Công ty này không nắm vững công nghệ sản xuất nên chỉ hướng dẫn vận hành thiết bị; trong khi chủ đầu tư không hiểu rõ công nghệ này. Do đó việc chuyển giao công nghệ hầu như không có. Đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật chưa được đào tạo thấu đáo, không nắm bắt được công nghệ nên trong quá trình vận hành dây chuyền sản xuất còn nhiều lúng túng, không kiểm soát được công nghệ; dẫn đến chất lượng sản phẩm không cao.
Bên cạnh đó các nhà máy đi vào sản xuất trong khi thị trường vật liệu xây dựng ngày càng giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và bất động sản đóng băng; sản phẩm AAC tiêu thụ chậm, sản xuất không liên tục, một số nhà máy phải dừng hoạt động; do đó không có điều kiện để hoàn thiện công nghệ; đào tào cán bộ để làm chủ công nghệ.
Vận hành sản xuất bê tông khí chưng áp (AAC) 2. Dây chuyền thiết bị công nghệHầu hết các nhà máy đầu tư dây chuyền thiết bị thiếu đồng bộ và chưa hoàn chỉnh; một số nhà máy đầu tư thiết bị kém chất lượng.
Trang thiết bị cho phòng thí nghiệm không đủ để xác định chất lượng nguyên liệu sử dụng và thành phần cấp phối hồ AC; kiểm soát các thông số công nghệ (độ nghiền mịn, độ chảy tỏa, cường độ dẻo của khối AC, chế độ chưng áp, ..); Hệ thống định lượng và trộn huyền phù bột nhôm ở các nhà máy không vận hành được phải thực hiện bằng phương pháp thủ công; Cấu tạo cánh khuấy và tốc độ máy trộn hồ AC chưa hợp lý, nên độ đồng nhất của hồ chưa cao; Một số nhà máy chưa đầu tư thiết bị lật khối AC sau khi cắt hoặc có trang bị nhưng không vận hành được...
Các nhà máy chưa trang bị hệ thống thiết bị tự động kiểm soát và điều khiển thông số công nghệ một số công đoạn: nghiến cát (độ nghiền mịn, dung trọng hồ cát), máy cắt (độ căng của dây cắt, tốc độ cắt) quá trình chưng áp (áp suất, nhiệt độ, thời gian của quá trình). Một số nhà máy chưa đầu tư thiết bị tách dỡ và đóng gói sản phẩm; việc tách dỡ sản phẩm thủ công làm tăng lượng phế phẩm.
Thời gian vận hành các nhà máy chưa nhiều và không liên tục, chưa đủ để đánh giá chất lượng thiết bị, nhưng chất lượng thiết bi của một số nhà máy chưa đảm bảo: Sông Đáy - Hồng Hà - sai số cơ khí lớn, khi lắp đặt phải chỉnh sửa nhiều, các xilanh thủy lực của máy cắt chất lượng kém đã phải thay, cần cẩu tháo khuôn độ ổn định kém; An Thái, Sông Đà - Cao Cường - máy lật khối AC sau khi cắt không hoạt động được, trong khi thiết bị này của Viglacera phải chỉnh sửa mới vận hành được; Vương Hải - một số chi tiết, phụ tùng có tuổi thọ ngắn thường xuyên hỏng hóc phải thay thế (van hơi áp lực, van xả nước của autoclave, cảm biến tự động chuyển khuôn và máy cắt...), ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.
3. Chất lượng sản phẩmCác nhà máy sản xuất chủ yếu sản phẩm cấp B4 ((RN = 5,0 MPa, KLTT = 551 - 850 kg/m³) hoặc B3 (RN = 3,5 MPa, KLTT = 451 - 650 kg/m³). Chất lượng sản phẩm cơ bản đạt yêu cầu theo TCVN 7959:2011, nhưng ở mức thấp - hệ số chất lượng bê tông khí chưng áp (tính theo công thức A= RN /0,016 x (KLTT)²) của các nhà máy Việt Nam thấp hơn so với một số hãng nước ngoài (Wehrhahn=1050, Hebel (Italia)=880, Xela (Thượng Hải)=854, V-Block=826, E-Block=779, An Thái=779, Viglacera=616, Sông Đáy-Hồng=583, Sông Đà-Cao Cường=581,..). Ở nước ta các nhà máy chú trọng về nâng cao cường độ nén hơn quan tâm đến giảm khối lượng thể tích; trong khi các hãng nước ngoài thì ngược lại.
Độ ổn định chất lượng sản phẩm chưa cao; kết quả thử nghiệm tại Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng cho thấy độ đồng nhất không cao, 9/267 mẫu có độ giao động cường độ (15÷33) %.
4. Những thách thức trong sử dụng bê tông khí chưng ápThị trường của sản phẩm bê tông khí chưng áp vẫn còn nhiều khó khăn Thách thức lớn nhất trong việc sử dụng bê tông khí chưng áp hiện nay là thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Trong những năm gần đây do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhu cầu vật liệu xây dựng nói chung và vật liệu xây nói riêng bị giảm sút; bê tông khí chưng áp là sản phẩm mới ở Việt Nam, người sử dụng chưa hiểu rõ bản chất của nó, vẫn còn tâm lý hoài nghi nên việc xâm nhập thị trường của sản phẩm bê tông khí chưng áp vẫn còn nhiều khó khăn.
Về tài liệu kỹ thuật thi công khối xây bê tông khí chưng áp chưa đầy đủ: Chưa có tiêu chuẩn thiết kế khối xây bằng block AAC; nội dung của Chỉ dẫn số: 974/QĐ-BXD còn chưa đầy đủ hoặc có chỗ không rõ ràng.
Về thực tế thi công tại hiện trường; quá trình thi công chưa có đủ các dụng cụ cần thiết; cán bộ kỹ thuật và công nhân chưa được tập huấn, hướng dẫn kỹ lưỡng; chưa thực hiện nghiêm các quy định hướng dẫn thi công đã có.
TS. Thái Duy Sâm - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội VLXD Việt Nam(còn nữa)
VLXD.org