>> Vật liệu xây không nung: Vì sao chưa đi vào cuộc sống?
Nhiều khó khăn sản xuất và tiêu thụTheo số liệu thống kê của Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam và qua khảo sát của Bộ Xây dựng, đến hết năm 2014, cả nước có khoảng 1.600 dây chuyền sản xuất
gạch xi măng cốt liệu, trong đó có 1.500 dây chuyền công suất dưới 7 triệu viên/năm, 30 dây chuyền sản xuất gạch bê-tông nhẹ (
bê-tông khí chưng áp và bê-tông bọt). Tuy nhiên, chỉ có gạch xi măng cốt liệu có mức tiêu thụ khả quan, còn
gạch bê-tông nhẹ gặp nhiều khó khăn. Sản lượng của các doanh nghiệp này đều không đạt công suất thiết kế, hầu hết chỉ đạt 20% đến 30%, nhiều đơn vị mới đi vào sản xuất phải ngừng do không tiêu thụ được sản phẩm. Tiêu thụ nội địa gặp nhiều khó khăn nên chỉ có hai doanh nghiệp là Công ty Vương Hải và Công ty Tân Kỷ Nguyên có mức tiêu thụ khả quan (khoảng hơn 90% công suất), nhờ xuất khẩu tới 80% sản lượng sang thị trường Ðài Loan (Trung Quốc) và Xin-ga-po.
Ðánh giá chung tình hình phát triển VLXKN, Phó Vụ trưởng Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc cho rằng, mục tiêu về phát triển VLXKN gồm ba loại sản phẩm chính là gạch
xi măng cốt liệu, gạch
bê tông khí chưng áp và gạch bê-tông bọt cơ bản đã đạt và vượt về công suất thiết kế và chủng loại, chiếm khoảng 29% (6,5 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm) so với tổng sản lượng vật liệu xây năm 2014 là 22 tỷ viên quy tiêu chuẩn.
Mặc dù, hiện nay các quy định, quy chuẩn, định mức sử dụng VLXKN đã được ban hành khá đầy đủ, tuy nhiên tiêu thụ rất khó khăn. Nguyên nhân chính do thói quen tiêu dùng của người dân vẫn ưa thích sử dụng gạch nung đất sét và mặc dù xét tổng thể cả công trình sử dụng gạch không nung hiệu quả hơn, nhưng tính giá thành 1 m2 gạch không nung vẫn đắt hơn 1 m2 gạch nung. Ðồng thời, một số địa phương còn dễ dãi, buông lỏng trong công tác quản lý tài nguyên và chưa tuân thủ triệt để lộ trình xóa dần các
lò gạch thủ công nên vấn đề sản xuất, tiêu thụ gạch nung đến nay vẫn chưa được giải quyết "đến nơi đến chốn". Một số địa phương vào cuộc mạnh mẽ nên công tác sản xuất, tiêu thụ
VLXKN tốt, điển hình như TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương,... nhưng cũng có địa phương còn khá chậm trễ trong công tác này, đơn cử là Hà Nội, Ðà Nẵng, Quảng Bình,... Một nguyên nhân khách quan là các nhà máy sản xuất bê-tông nhẹ ra đời vào lúc kinh tế đang gặp khó khăn, đầu tư công giảm, thị trường bất động sản trầm lắng, dẫn đến sản xuất đình trệ, hàng tồn kho cao. Hơn nữa, các doanh nghiệp này chưa được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi về phát triển VLXKN.
Vừa qua, tại tỉnh Bến Tre, một số công trình sử dụng VLXKN xảy ra hiện tượng nứt, UBND tỉnh đã quyết định tạm ngưng việc sử dụng VLXKN, chuyển sang dùng vật liệu nung, dù chưa xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Phải thừa nhận rằng, chất lượng một số dây chuyền sản xuất gạch không nung không bảo đảm do một thời gian đầu tư ồ ạt theo phong trào và các cấp quản lý buông lỏng việc kiểm soát chất lượng dây chuyền sản xuất. Mặt khác, công tác bảo quản sản phẩm khi lưu kho, vận chuyển chưa đúng cách cũng làm ảnh hưởng chất lượng sản phẩm. Mặt khác, việc thi công đôi lúc gặp khó khăn do phần lớn thợ xây dựng là lao động phổ thông, không được đào tạo cơ bản, tay nghề còn yếu, trong khi thi công gạch không nung đòi hỏi phải có trình độ nhất định, cũng như những loại vữa xây chuyên dụng.
Tỷ lệ sử dụng VLXKN tại Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất trong khu vực ASEAN. Cần những giải pháp quyết liệt và đồng bộLộ trình phát triển VLXKN đã được cơ quan quản lý xác định rõ. Quan điểm của Bộ Xây dựng không chấp nhận kiến nghị của một số địa phương tạm dừng sử dụng VLXKN, tùy điều kiện cụ thể của các địa phương để xây dựng lộ trình phù hợp, khó vẫn phải làm. Ðối với vấn đề xóa bỏ lò gạch thủ công, hạn chót là cuối năm nay, sẽ xóa bỏ hoàn toàn ở hầu hết các địa phương, chỉ cho phép 10 tỉnh "giãn" đến cuối năm 2017. Phó Vụ trưởng Phạm Văn Bắc cho biết, năm nay, Bộ Xây dựng đã đưa vào kế hoạch thanh tra việc sản xuất, tiêu thụ, sử dụng VLXKN. Những năm trước đây, chế tài xử phạt chưa hoàn thiện, do vậy mới chỉ dừng ở việc khuyến khích, từ năm nay sẽ quyết liệt hơn. Ðồng thời, phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng, bổ sung thêm các chính sách ưu đãi phát triển loại
vật liệu này, từng bước cải thiện tỷ trọng sử dụng VLXKN trong các công trình, không phân biệt nguồn vốn.
Nhằm tạo điều kiện để VLXKN phát triển hơn nữa, các địa phương cần tập trung tăng cường thẩm tra, thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn và hướng dẫn, kiểm tra giám sát các chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, đơn vị thi công thực hiện đúng các quy định tại Quyết định 567, Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung và thông tư của Bộ Xây dựng về việc quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng. Rà soát, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất VLXKN. Hằng tháng, hằng quý, xây dựng và công bố giá các sản phẩm VLXKN trong công bố giá vật liệu xây dựng của địa phương. Sở Xây dựng cần tham mưu cho tỉnh xây dựng và ban hành kế hoạch tăng cường sử dụng VLXKN và lộ trình giảm dần việc sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thanh, kiểm tra chất lượng tại một số dây chuyền sản xuất VLXKN nhằm hạn chế "tiếng xấu", từng bước tạo chỗ đứng vững chắc cho loại sản phẩm này trên thị trường.
Theo Nhân dân