>> Xử lý tro xỉ làm nguyên liệu sản xuất VLXD: Vì sao còn hạn chế?
Làm chủ công nghệ và chất lượng sản phẩm
Trò chuyện với phóng viên, ông Kiều Văn Mát - Tổng giám đốc SCL hào hứng chia sẻ về dây chuyền
xử lý tro xỉ nhà máy nhiệt điện Phả Lại thành
tro bay của SCL, công suất 500.000 tấn/năm tại Chí Linh, Hải Dương. Theo đó, tro xỉ được hóa lỏng từ hồ thải của nhà máy nhiệt điện Phả Lại và được đưa về nhà máy xử lý của SCL qua tuyến ống dẫn dài hơn 2km. Do vậy, quá trình vận chuyển tro xỉ không phát sinh bụi hay gây ô nhiễm môi trường.
Tại nhà máy SCL, với
công nghệ tuyển ướt, sấy khô, than chưa cháy hết trong tro xỉ được xử lý, tách ra khỏi thành phẩm tro bay. Sản phẩm chính của dây chuyền là tro bay, được kiểm soát tốt chất lượng. Tro bay thành phẩm hoặc đưa vào sản xuất
gạch không nung, hoặc sử dụng làm
phụ gia trong sản xuất
bê tông (bao gồm cả
bê tông đầm lăn, bê tông thương phẩm), sử dụng làm phụ gia cho
xi măng. Than chưa cháy hết được thu hồi, tái sử dụng cho ngành công nghiệp nhẹ hoặc đem vào làm nguyên liệu sấy tro bay ẩm trong chính nhà máy của SCL. Nước thải của quá trình xử lý tro xỉ được dẫn ngược lại về nhà máy nhiệt điện Phả Lại, nơi được đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Nước sau xử lý tiếp tục được sử dụng tuần hoàn trong việc hóa lỏng tro xỉ…
Có thể nói, quá trình xử lý tro xỉ tại nhà máy SCL khá khép kín và hoàn chỉnh. Ông Mát phân tích: Thứ nhất, bằng công nghệ, chúng tôi có thể kiểm soát được 100% chất lượng tro bay. Ngoài tiêu chuẩn Việt Nam, khách hàng muốn sản phẩm tro bay đạt tiêu chuẩn nước nào, chúng tôi đều đáp ứng được yêu cầu (ở mỗi nước có quy định cụ thể, khác nhau tiêu chuẩn về hàm lượng than và một số thành phần khác trong tro bay). Thứ hai, dây chuyền xử lý được kiểm soát toàn bộ vấn đề về môi trường. Thứ ba, dây chuyền có mô hình rất gọn, chiếm mặt bằng ít. Thứ tư, giá thành sản phẩm tro bay so với các vật liệu ứng dụng khác, rất cạnh tranh.
“Công nghệ tự động hóa cao, năng suất lớn, tận thu được toàn bộ tất cả các dòng sản phẩm trong tro xỉ, không vứt đi cái gì. Than quay lại tái sử dụng. Tro đưa vào
sản xuất VLXD. Như vậy, liền một lúc, dây chuyền SCL giải quyết được 3 vấn đề: Xử lý môi trường; kiểm soát chất lượng sản phẩm tro bay; giá thành cạnh tranh để người tiêu dùng chấp nhận được” - ông Mát tâm đắc.
Cạnh tranh không lành mạnh
Câu hỏi đặt ra là dây chuyền công nghệ ưu việt, sản xuất sản phẩm chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh, vậy điều gì khiến bản thân SCL hoạt động còn chật vật và các DN vẫn ngại ngần, không đầu tư nhà máy xử lý tro xỉ thành
VLXD?
Ông Mát cho biết: So về giá trị kinh tế, nguyên liệu đầu vào trong sản xuất VLXD thì giá sản phẩm tro bay của SCL rẻ hơn rất nhiều so với các phụ gia khác. Nhưng tro bay SCL không thể cạnh tranh giá với sản phẩm không xử lý gì mà bê nguyên vào sản xuất xi măng hay bê tông…
Hiểu một cách nôm na, SCL mua tro xỉ làm nguyên liệu đầu vào của nhà máy xử lý, sản xuất ra tro bay thành phẩm, bán ra thị trường với giá khoảng 400 nghìn đ/tấn. Trong khi người mua tro xỉ khác vẫn có thể bán lại được tro từ nhà máy nhiệt điện, không qua xử lý, với giá khoảng hơn 200 nghìn đ/tấn. Vẫn bán được hàng, vẫn có lợi nhuận, sao phải đầu tư nhà máy xử lý?
Điều đáng nói là tro không qua xử lý, chất lượng không bảo đảm, nếu đưa vào làm phụ gia bê tông sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng bê tông, ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ công trình xây dựng. Bởi than chưa cháy hết trong tro bay có nguy cơ ăn mòn dần cốt thép, làm giảm tuổi thọ công trình…
Vấn đề vướng mắc ở đây chính là yêu cầu kiểm soát tốt chất lượng, tiêu chuẩn của tro bay. Việt Nam đã ban hành tiêu chuẩn tro bay nhưng chưa được áp dụng rộng rãi và nhất là chưa được kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn.
Về vấn đề này, Viện trưởng Viện VLXD Lương Đức Long cũng đã nhận định: Việc kiểm soát tiêu chuẩn tro bay vẫn còn buông lỏng. Việc sử dụng tro bay không đúng tiêu chuẩn cũng chưa được kiểm soát. Các cơ sở sản xuất tái chế phải đi mua tro bay của nhà máy nhiệt điện đồng thời phải chi phí cho công nghệ tái chế cao cho nên giá bán ra sản phẩm cao. Trong khi, hầu hết các nhà sản xuất VLXD khác rất vô tư khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên thoải mái, giá cả rẻ.
Trong bối cảnh trên, SCL vẫn chọn con đường đi riêng, khó hơn. Ông Kiều Văn Mát cho biết: SCL tồn tại và phát triển trên thị trường bằng chính chất lượng và giá thành sản phẩm. Sản phẩm của chúng tôi không đắt hơn đáng bao nhiêu, nhưng chất lượng sản phẩm được kiểm soát và bảo đảm 100%. Đây là xu thế sản xuất VLXD bền vững, thân thiện trên thế giới. Làm ăn chụp giật thì chỉ một thời gian thôi, rồi thì cũng phải đi đúng quy luật.
Cũng đề cập đến việc vì sao các DN chưa mặn mà đầu tư dây chuyền xử lý tro xỉ thành VLXD, Phó tổng giám đốc Cty CP Nhiệt điện Phả Lại, ông Nguyễn Văn Thủy cho rằng: Vấn đề còn liên quan đến bài toán hiệu quả đầu tư. Sản phẩm VLXD mới làm từ tro, chưa đủ thời gian để khách hàng tin tưởng. Sản phẩm truyền thống vẫn đang chiếm lĩnh thị trường nên các nhà đầu tư không thể đầu tư một cách ồ ạt, trong khi sản phẩm đầu ra chưa có bảo đảm.
Đúng như ông Thủy phân tích, sau một thời gian đưa sản phẩm tro bay vào các dự án lớn như đập thủy điện Sơn La, Lai Châu, Trung Sơn…, giờ đây SCL đang phải nỗ lực tiếp cận các dự án khác, trong và ngoài nước. SCL đồng thời đưa tro bay vào sản xuất gạch không nung - gạch nhẹ chưng áp AAC tại nhà máy của SCL. Tuy nhiên, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho cả 2 sản phẩm tro bay và gạch nhẹ AAC của SCL không dễ dàng…