Còn hơn 3.300 lò gạch nung lạc hậu
Theo Bộ Xây dựng, thực tế tại các địa phương cho thấy, nhiều dây chuyền sản xuất gạch đất sét nung bằng lò tuynel đầu tư trước đây đã lạc hậu (công đoạn tạo hình dẻo độ ẩm cao, phơi cáng kính thủ công, chưa tự động hóa khâu xếp dỡ,…).
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp sản xuất gạch đất sét nung gặp không ít khó khăn với nhu cầu chuyển đổi công nghệ, đầu tư mới, đầu tư cải tạo, áp dụng công nghệ tiên tiến đối với việc sản xuất gạch đất sét nung để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tiết kiệm nguyên liệu, sử dụng phế thải công nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường…
Cần thực hiện đúng lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công lạc hậu theo Quyết định 1469.
Theo đó, số lượng các loại lò sản xuất gạch đất sét nung sử dụng công nghệ lạc hậu vẫn còn rất lớn, hơn 3.300 lò với công suất hơn 12,3 tỷ viên/năm cần phải xóa bỏ, thay thế.
Trong tổng số hơn 6.200 cơ sở sản xuất vật liệu xây trên cả nước với tổng công suất thiết kế (CSTK) hơn 33,7 tỷ viên/năm, thì gạch không nung có khoảng 2.300 cơ sở với tổng CSTK khoảng 6,8 tỷ viên/năm, gạch đất sét nung khoảng 3.900 cơ sở sản xuất với tổng CSTK khoảng 26,8 tỷ viên/năm.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua mới chỉ có 35/63 địa phương có Chỉ thị của UBND tỉnh về việc xóa bỏ sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công và tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, 55/63 tỉnh có xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm sản xuất gạch đất sét nung, 56/63 tỉnh lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Sau Hội nghị toàn quốc về vật liệu xây dựng năm 2017, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 14/TB-VPCP ngày 09/01/2018, trong đó giao nhiệm vụ cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dừng đầu tư mới đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung.
Vì vậy, quá trình triển khai đầu tư cải tạo, đầu tư mới dây chuyền sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ lò tuynel phải dừng lại, một số địa phương như: Hòa Bình, Gia Lai, Sơn La, Bắc Kạn, Hải Phòng gặp vướng mắc và xin ý kiến của Bộ Xây dựng.
Đủ căn cứ pháp lý chấm dứt lò gạch thủ công
Theo Bộ Xây dựng, hiện đã đủ căn cứ pháp lý để chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công, vấn đề còn lại là việc triển khai thực hiện của các địa phương, như: Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng, tại điểm c khoản 1 Điều 14 quy định: “Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng địa phương”.
Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động của các loại lò sử dụng công nghệ lạc hậu (lò thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hoá thạch, lò đứng liên tục); đối với các cơ sở đang sản xuất gạch bằng lò tuynel, phải tiếp tục đầu tư hoàn thiện và cải tiến công nghệ để giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu tiết kiệm tài nguyên; đối với các tỉnh miền Nam khuyến khích đầu tư công nghệ lò tuynel sử dụng nhiên liệu trấu và mùn cưa; khuyến khích sản xuất gạch đất sét nung kích thước lớn, độ rỗng cao để tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.
Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/ 4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung.
Cần nghiêm túc thực hiện Quyết định 1469
Trong văn bản mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đúng và đủ lộ trình chấm dứt hoạt động của các loại lò sử dụng công nghệ lạc hậu, những tỉnh chưa có phải tiếp tục xây dựng và ban hành.
Đối với các địa phương đã xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động của các loại lò sử dụng công nghệ lạc hậu thì thực hiện nghiêm việc dừng hoạt động của các lò thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hoá thạch, lò đứng liên tục theo lộ trình đã ban hành.
Trên cơ sở Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được phê duyệt, vùng nguyên liệu đã quy hoạch và tình hình tiêu thụ vật liệu xây trên thị trường, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét chấp thuận đầu tư các dây chuyền sản xuất gạch nung đảm bảo công nghệ tiên tiến, mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu và đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường theo quy định.
VLXD.org (TH/ Xây dựng)