Theo Bộ Xây dựng, Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng và khoáng sản làm xi măng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2008, đến nay đã hết kỳ quy hoạch. Trong thời gian qua, việc ban hành các quy hoạch trong lĩnh vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng và khoáng sản làm xi măng đã góp phần đưa nhiều mỏ khoáng sản có quy mô công nghiệp vào thăm dò, khai thác kịp thời, đáp ứng nguồn nguyên liệu và đóng vai trò quan trọng cho phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng. Tính đến ngày 31/12/2021, hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở nước ta diễn ra tại 44/63 địa phương với khoảng 1.720 mỏ, điểm mỏ khoáng sản.
Tuy nhiên, trong quá trình thăm dò, khai thác, sử dụng cũng có một số bất cập. Nhiều khu vực khoáng sản được chia nhỏ diện tích để cấp phép cho các doanh nghiệp khác nhau. Hiện nay, có một số giấy phép khai thác còn hiệu lực nhưng không hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng (20 - 30% công suất) do các mỏ khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm hay các mỏ được cấp phép khai thác nhưng khu vực cấp phép được khoanh định vào khu vực cần bảo vệ... Cũng có những mỏ đang khai thác vượt công suất cấp phép 10 - 15% tại một số doanh nghiệp có mỏ đá vôi để sản xuất xi măng tại Hà Nam, Quảng Bình…
Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối tượng bao gồm các nhóm khoáng sản được phân theo mục đích sử dụng, gồm nhóm khoáng sản làm xi măng; nhóm khoáng sản làm đá ốp lát, mỹ nghệ; nhóm khoáng sản làm gốm sứ, vật liệu chịu lửa; nhóm khoáng sản làm kính xây dựng; nhóm khoáng sản làm vôi công nghiệp. Quy hoạch khoanh định các mỏ để đưa vào thăm dò, khai thác theo từng giai đoạn; ưu tiên phát triển mỏ đối với các vùng nguyên liệu tập trung, các mỏ gắn với nhu cầu sản xuất trong nước hoặc các loại khoáng sản chất lượng thấp nhưng đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn về xuất khẩu và có thể mang lại giá trị kinh tế cao.
Theo nhiều doanh nghiệp khai thác mỏ khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, đây là bản quy hoạch quan trọng, tạo cơ sở cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, đáp ứng tối đa nhu cầu nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng của nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến băn khoăn về việc đánh giá trữ lượng và một số vấn đề khác trong thăm dò, khai thác, sử dụng mỏ khoáng sản. Một số đơn vị đề nghị xem xét nghiên cứu bổ sung các nhóm vật liệu mới có tiềm năng nhằm đáp ứng yêu cầu, xu thế sử dụng trong thời gian tới như việc thay thế cát xây dựng ở một số vùng hiếm cát sông, suối... Đồng thời, cần có thêm một số chương về lộ trình cắt giảm trong việc thăm dò, khai thác, sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng không thân thiện với môi trường, phát thải các loại khí thải, gây ô nhiễm môi trường. Cần có lộ trình khuyến khích, bắt buộc trong việc sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường.
Trao đổi với ông Trần Bá Việt, Phó Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam rất băn khoăn về việc đối tượng của Quy hoạch không có nhóm khoáng sản (đá, cát) làm bê tông. Theo quan sát của ông Việt, công trình có vấn đề do bê tông nhiều hơn do xi măng, lượng tiêu thụ bê tông cũng lớn gấp 3 lần xi măng, tương ứng lượng cát, đá cần khai thác làm bê tông rất lớn. Trong khi nhóm khoáng sản làm xi măng và nhiều vật liệu xây dựng khác được đưa vào Quy hoạch, thì lại bỏ qua nhóm khoáng sản làm bê tông là không phù hợp. Chất lượng bê tông dễ thay đổi do trộn tại hiện trường, nếu không quản lý được chất lượng, nguồn cát, đá có thể ảnh hưởng chất lượng bê tông, dẫn tới chất lượng công trình không bảo đảm.
Ông Việt cho biết, theo Luật Khoáng sản năm 2010, các mỏ đá, cát làm bê tông do địa phương quản lý. Khi giao về địa phương quy hoạch có tính cát cứ, nhiều mỏ không khai thác hết, nhưng không cho phép chuyển ra địa phương khác... Việc khai thác cát, đá làm bê tông cũng chưa được quản lý chặt chẽ, dẫn đến ô nhiễm môi trường, sạt lở. Tại Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 đã xác định chiến lược phát triển vật liệu bê tông (Phụ lục XII). Vì vậy, ông Việt đề xuất bổ sung nhóm khoáng sản (cát, đá) làm bê tông vào Quy hoạch quốc gia mà Bộ Xây dựng đang lập để quản lý thống nhất trên cả nước.
VLXD.org (TH/ Đấu thầu)