>> Chính phủ cho giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng
>> Tổng hội Xây dựng đề xuất giải pháp điều chỉnh giá thép
>> 5 kiến nghị của doanh nghiệp ngành xây dựng
Chính phủ yêu cầu kiểm soát giá vật liệu xây dựng, không để tăng giá đột biến dịp cuối năm
Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến dịp Tết là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp cuối năm của Ban Chỉ đạo, tổ chức sáng 28/12.
Đối với các mặt hàng cụ thể, các bộ ngành, địa phương tổ chức, theo dõi sát tình hình cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều chỉnh phù hợp. Ngoài ra, cần chủ động dự báo và có phương án đảm bảo cân đối cung cầu, nhất là trong mùa cao điểm xây dựng cuối năm.
Năm 2022, vật liệu xây dựng, xăng dầu và lãi suất ngân hàng là 3 yếu tố khiến công tác điều hành giá gặp nhiều khó khăn. Trong đó, giá các loại VLXD liên tục biến động do những tác động từ thị trường đã kéo theo chi phí xây dựng các công trình nhà ở bị đội giá, khiến nhiều người bị vỡ kế hoạch xây nhà.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ đề nghị trong năm 2023, bên cạnh các mặt hàng xăng dầu, nhựa đường, cần phối hợp quản lý, kiểm soát chặt chẽ giá mặt hàng VLXD như đất, cát, đá… khi dự kiến có nhiều dự án, công trình khởi công trong thời gian tới.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho rằng giá các mặt hàng VLXD trong năm tới không có biến động lớn, cơ bản phù hợp với thị trường. Nếu biến động, có chăng là từ mặt hàng nhựa đường, nguồn cung đất đắp ở Nam Bộ…
Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan để thực hiện tốt công tác quản lý giá các mặt hàng này.
Sang năm 2023, sẽ có thêm nhiều yếu tố tác động như một số sắc thuế sẽ hết hiệu lực; khởi công một loạt dự án lớn; việc Trung Quốc nới lỏng chính sách chống dịch Covid-19… giá cả một số mặt hàng có thể sẽ tăng lên sẽ tác động đến trong nước, trong đó có công tác điều hành giá.
Trước mắt, Phó thủ tướng chỉ đạo cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm để có biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.
VLXD.org (TH/ Cafeland)