Hàng xuất khẩu sang ASEAN đa dạng như: gạo, dầu thô, xăng dầu, sắt thép, điện thoại, phụ tùng, linh kiện... ASEAN là một trong những thị trường truyền thống và tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Chỉ tính đến hết tháng 11 năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này ạt khoảng 17 tỷ USD, chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Các mặt hàng xuất khẩu sang ASEAN rất đa dạng như như gạo, dầu thô, xăng dầu, sắt thép, điện thoại, phụ tùng, linh kiện…
Sắt thép là một trong nhiều mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu sang ASEAN
Bà Phạm Thị Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công thương cho biết, trong khối ASEAN, Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Trong đó, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN quy định rõ số dòng thuế được lùi thời hạn xóa bỏ thuế quan đến năm 2018 với nhóm nước Campuchia, Lào, Myanma, Việt Nam.
Với nhóm các nước ASEAN gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và thông qua những nước này để xuất khẩu sang nước thứ 3. Song, thách thức là hàng hóa sẽ chịu sự cạnh tranh cao về tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã và khó khăn khi tiếp cận các kênh phân phối…
Còn với nhóm các nước Campuchia – Lào – Myanmar, hàng Việt Nam có lợi thế về giá cả, chất lượng; Doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội đầu tư một số lĩnh vực bất động sản, phân phối, sản xuất chế biến… Tuy nhiên cũng còn khó khăn do cơ chế, chính sách quản lý của các nước này còn nhiều bất cập; Việc thanh toán chưa thuận lợi, đặc biệt là tại thị trường Myanmar…
Ông Nguyễn Công Danh, phụ trách xuất nhập khẩu của Công ty Cổ phần Vật tư và thiết bị Toàn Bộ chia sẻ một số thuận lợi cũng như khó khăn khi thâm nhập thị trường ASEAN: “Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có lợi thế về nông sản. Còn một số mặt hàng khác vẫn nhiều khó khăn. Như công ty chúng tôi xuất khẩu xe máy sang Myanmar, đây cũng được cho là mặt hàng có lợi thế, nhưng đang gặp cạnh tranh gay gắt từ các nước Thái Lan, Trung Quốc giá rất rẻ, mẫu mã đẹp hơn. Vì vậy mình phải cạnh tranh bằng giá và chất lượng tốt hơn hẳn mới thâm nhập tốt thị trường này”.
Các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng lợi thế về giảm thuế theo các Hiệp định thương mại tự do, tìm hiểu thị trường, chuẩn bị kỹ lưỡng về công nghệ, nhân lực, hợp tác liên kết để nâng cao giá trị xuất khẩu vào thị trường tiềm năng này.
CFC - vov.vn