Kỳ vọng làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng
Theo VNDIRECT, vật liệu xây dựng sẽ là ngành được hưởng lợi lớn nhất trong xu hướng đẩy mạnh đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng từ năm 2021. Trong các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai, cao tốc Bắc - Nam là dự án đáng chú ý nhất.
Ước tính chi phí vật liệu xây dựng cho 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (tỷ đồng).
Theo ước tính, 40% vốn đầu tư công cho dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sẽ được giải ngân trong năm 2021 và 60% chi phí xây dựng (23,7 nghìn tỷ đồng) sẽ được phân bổ vào chi phí nguyên vật liệu.
Trong năm 2021, các dự án này sẽ cần huy động khoảng 5,9 nghìn tỷ đồng nhựa đường, 6,4 nghìn tỷ đồng thép xây dựng và 3,8 nghìn tỷ đồng xi măng. Để hoàn thành toàn bộ các dự án này vào năm 2023, VNDIRECT ước tính tổng chi phí giành cho nhựa đường, thép xây dựng và xi măng sẽ lần lượt cần khoảng 20,8 nghìn tỷ đồng, 14,8 nghìn tỷ đồng và 8,9 nghìn tỷ đồng.
Để thực hiện ước tính cơ cấu chi phí của các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, chuyên gia phân tích Trần Bá Trung của VNDIRECT dựa trên: dự toán chi phí xây dựng được quy định tại Thông tư 09/2019/TT-BXD (ban hành ngày 26/12/2019) của Bộ Xây dựng và cơ cấu chi phí của các dự án cao tốc đã được thực hiện tại Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2018.
Động lực tăng trưởng từ thị trường xuất khẩu
Việt Nam có thể được hưởng lợi theo kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mạnh mẽ của Trung Quốc. Nhu cầu thép và xi măng cho lĩnh vực xây dựng hạ tầng sắp tới của Trung Quốc sẽ tăng đáng kể do quốc gia này đã phê duyệt và bắt đầu triển khai xây dựng hàng loạt dự án hạ tầng từ quý 2/2020. VNDIRECT dự báo xu hướng này sẽ tiếp diễn tối thiểu đến giữa năm 2021, thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu thép và xi măng vào Trung Quốc.
Tổng sản lượng xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang Trung Quốc.
Theo S&P Global Platts, Trung Quốc đã phê duyệt 14 dự án sân bay với tổng vốn đầu tư lên tới 105,7 tỷ Nhân dân tệ (15,3 tỷ USD) trong giai đoạn từ tháng 1- 7/2020, cao hơn 13% giá trị phê duyệt của cả năm 2019.
Ngoài ra, 22 dự án đường sắt cũng đã được chấp thuận đầu tư trong vòng 7 tháng, bên cạnh 16 dự án khác dự kiến sẽ sớm được phê duyệt. Tổng chiều dài các dự án này đạt 5.801 km, tương đương tổng chiều dài của tất cả các dự án được phê duyệt năm 2019.
Hầu hết các dự án trên sẽ được khởi công xây dựng trong 6 tháng cuối năm 2020. S&P Global Platts ước tính nhu cầu thép của các dự án cở sở hạ tầng lớn tại Trung Quốc (bao gồm các dự án mới được phê duyệt và các dự án đường sắt, sân bay lớn đã được phê duyệt trong giai đoạn 2016 -2019) sẽ tăng 24% so với cùng kỳ lên khoảng 23 triệu tấn trong năm 2020 và tiếp tục tăng 20% so với cùng kỳ lên 28 triệu tấn vào năm 2021.
Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng sẽ đạt 10 - 12%
Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu thép của Việt Nam trong 6 tháng 2020. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong quý 1/2020 đã giảm 15,4% so với cùng kỳ xuống 2,3 triệu tấn và tiếp tục giảm 1,8% so với cùng kỳ xuống 2,6 triệu tấn trong quý 2/2020. Tuy nhiên, trong quý 3 sản lượng tiêu thụ thép xây dựng đã tăng trở lại 8,8% so với cùng kỳ lên 2,7 triệu tấn.
Do đó, nhóm phân tích kỳ vọng tăng trưởng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng sẽ đạt 10 - 12% so với cùng kỳ trong năm 2021 (tăng trưởng kép trong giai đoạn 2012 - 2019 là 14,9%) nhờ vào: tăng tốc phát triển hạ tầng trong năm 2021 nhờ vào việc đẩy mạnh đầu tư công và thị trường bất động sản nhà ở sẽ nóng trở lại trong năm 2021 do lãi suất giảm và nguồn cung mới mở bán cao hơn.
Ngoài ra, tôn mạ cũng được kỳ vọng với sản lượng tiêu thụ sẽ tăng 7 - 10% so với cùng kỳ trong 2021 nhờ vào làn sóng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam của các doanh nghiệp FDI và sản lượng xuất khẩu cao hơn do nhu cầu thế giới phục hồi.
Đồng thời, xi măng cũng được dự báo sẽ tăng 3 - 5% so với cùng kỳ trong năm 2021 nhờ đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng tăng tốc ở Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, chuyên gia phân tích Trần Bá Trung cho rằng, dư địa tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp xi măng trong năm 2021 sẽ không cao do tình trạng dư cung và sự phụ thuộc ngày càng tăng vào các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là khi các nhà máy mới đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, Cảng hàng không quốc tế Long Thành (LTIA) dự kiến sẽ khởi công giai đoạn 1 trong tháng 12/2020 và VNDIRECT cho rằng nhu cầu đá xây dựng ở khu vực Đông Nam Bộ sẽ bùng nổ trong năm 2021 khi LTIA chính thức được khởi công.
Mới đây, Bộ GT-VT đã đề xuất triển khai 7 dự án cao tốc, với tổng chiều dài là 548km cho 5 dự án (chiều dài của 2 tuyến còn lại chưa được công bố) và tổng vốn đầu tư là 65 nghìn tỷ đồng tại khu vực ĐBSCL. Bộ cũng cam kết sẽ hoàn thành 300km đường cao tốc tại khu này vào năm 2025. Do đó, việc khởi công các dự án cao tốc sẽ tạo ra nhu cầu lớn về đá xây dựng ở khu vực ĐBSCL trong giai đoạn 2021 - 2025.
VLXD.org (TH/ Enternews)