Đây là chủ trương nhất quán của tỉnh Quảng Ninh nhằm xây dựng thành phố Hạ Long lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm để phát triển.
Cách đây hơn 10 năm, hai nhà máy xi măng của Công ty Cổ phần Xi măng Thăng Long với 1 dây chuyền công suất 2,3 triệu tấn/năm và Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long với 1 dây chuyền 2 triệu tấn/năm, được đầu tư xây dựng ở huyện Hoành Bồ của tỉnh Quảng Ninh.
Việc quyết định cho đầu tư xây dựng hai nhà máy trên trong bối cảnh Quảng Ninh chưa tính đến việc phát triển đô thị ở khu vực này.
Đầu năm 2020, huyện Hoành Bồ chính thức được sáp nhập vào thành phố Hạ Long.
Khi đó, Quảng Ninh xác định xây dựng và phát triển thành phố Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển, du lịch sinh thái rừng với không gian cảnh quan tự nhiên thân thiện; có dịch vụ du lịch với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên Thế giới vịnh Hạ Long.
Trong điều chỉnh quy hoạch không gian phát triển thành phố Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, các Nghị quyết của HĐND tỉnh đã khẳng định, khu vực vịnh Cửa Lục sẽ trở thành trung tâm thành phố Hạ Long mở rộng.
Như vậy, cả hai nhà máy Xi măng Hạ Long và Thăng Long trên đều nằm trong quy hoạch phát triển đô thị của thành phố Hạ Long mở rộng nên sự tồn tại của hai nhà máy này không còn phù hợp với xu hướng phát triển của thành phố Hạ Long.
Trước đó, vào năm 2014, tại Nghị quyết 141, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XII ra quyết nghị về việc dừng mở rộng, nâng công suất hiện có của các nhà máy Xi măng Hạ Long và Thăng Long, di chuyển các nhà máy dự kiến theo quy hoạch hết năm 2030.
Hội đồng nhân dân tỉnh đồng thuận cao chủ trương không quy hoạch mới các nhà máy nhiệt điện, xi măng trong vòng bán kính ít nhất cách ranh giới ngoài vùng đệm vịnh Hạ Long 15 km.
Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Hợp cũng thông tin thêm, không chỉ 2 nhà máy xi măng nói trên, Khu Công nghiệp Cái Lân và Cảng Cái Lân cũng sẽ phải giảm dần và tiến tới dừng hoạt động, thay vào đó khu vực này sẽ được xây dựng một cảng tàu du lịch hiện đại.
Để tăng khả năng kết nối không gian đô thị, hiện nay, Quảng Ninh đang triển khai thi công cầu Cửa Lục 1 và Cửa Lục 3 bắc qua vịnh Cửa Lục, kết nối khu vực Hạ Long với khu vực Hoành Bồ.
Quảng Ninh cũng đang nghiên cứu xây dựng cầu Cửa Lục 2 theo hướng nối thẳng khu vực Hạ Long với 2 xã miền núi Đồng Sơn, Kỳ Thượng, nơi có dự án khu bảo tồn thiên nhiên và du lịch sinh thái Vinpearl Safari nhằm tạo đà phát triển du lịch của thành phố trong tương lai.
VLXD.org (TH/ TTXVN)