Cùng với đẩy mạnh công nghiệp chế biến lâm sản, tỉnh Tuyên Quang khuyến khích phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, ưu tiên phát triển nhóm vật liệu trên địa bàn tỉnh có thế mạnh như xi măng, cát, sỏi, đá xây dựng, vật liệu xây dựng (nung và không nung) và các loại vật liệu mới từ nguyên liệu địa phương, các loại vật liệu phục vụ phát triển hạ tầng xã hội và các khu đô thị mới; tiết kiệm tài nguyên khoáng sản bằng giải pháp đầu tư công nghệ tiên tiến trong khai thác chế biến; khai thác sâu các mỏ lộ thiên, ưu tiên tạo ra các loại sản phẩm vật liệu có giá trị cao cùng một nguồn khoáng sản.
Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, khuyến khích, thu hút mọi nguồn lực vào phát triển sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư, cấp phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng; khai thác tối đa công suất các cơ sở đã đầu tư. Báo cáo của Sở Xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng có bước phát triển mạnh và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Nhà máy Xi măng Tân Quang.
Hiện toàn tỉnh có 11 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; 69 mỏ khai thác đá, khai thác cát. Tốc độ tăng trưởng của ngành đạt trên 20%/năm, chiếm tỷ trọng 25% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Những sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu gồm xi măng, gạch tuynel, gạch không nung, bột đá siêu mịn.
Ông Lê Danh Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng Tân Quang cho biết, công suất của nhà máy Xi măng Tân Quang đã đạt 910.000 tấn xi măng/năm. Sản phẩm xi măng mang nhãn hiệu “Tân Quang Vinacomin” không chỉ được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, còn vươn xa đến nhiều tỉnh, thành khu vực miền Bắc. Năm 2017, sản phẩm Xi măng Tân Quang được Thủ tướng Chính phủ tặng giải Bạc chất lượng Quốc gia.
Tỉnh Tuyên Quang hiện có 200 điểm mỏ với 31 loại khoáng sản, trong đó đứng hàng đầu về trữ lượng và chất lượng là quặng sắt, barit, cao lanh, đất sét, cát, sỏi... Hiện nay đã có 69 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư, đổi mới dây chuyền sản xuất, chế biến khoáng sản theo hướng tinh luyện. Điển hình như Công ty Cổ phần Kim loại màu Tuyên Quang; Công ty Cổ phần Tây Đô. Một số sản phẩm khoáng sản qua chế biến như: Barit, Angtimon đã được xuất khẩu vào thị trường châu Á.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất vật liệu xây dựng và một số lĩnh vực khai khoáng có thế mạnh đã tạo ra giá trị riêng có của công nghiệp Tuyên Quang, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng chế biến gỗ rừng trồng, đưa Tuyên Quang trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng của cả nước.
VLXD.org (TH)