>> Trung Quốc nhập khẩu sắt thép Việt Nam gấp 19 lần
>> Trung Quốc nhập khẩu sắt thép từ Việt Nam tăng hơn 12 lần
>> Ngành thép Trung Quốc bước vào một giai đoạn phát triển mới
Giá toàn bộ các sản phẩm sắt thép trong những phiên gần đây đều giảm, trong khi nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc đang chững lại sau khi tăng mạnh vào đầu năm.
Trung Quốc sản xuất hơn một nửa lượng thép của thế giới và mua khoảng 70% quặng sắt vận tải qua đường biển trên toàn cầu, một trong hai nguyên liệu thô chính để sản xuất thép, nguyên liệu còn lại là than cốc.
Giá giao ngay đối với quặng sắt hàm lượng 62% Fe nhập khẩu vào Trung Quốc (giao ngay tại cảng phía bắc nước này) hôm 10/4 là 118,8 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 9/1, theo dữ liệu của cơ quan báo cáo giá hàng hóa Argus.
Quặng sắt đã giảm giá 11% kể từ khi đạt mức cao nhất của năm 2023, vào giữa tháng 3/2023 – khi thị trường lạc quan về triển vọng nhu cầu thép trong tương lai, khi Bắc Kinh chuyển sang chính sách kích thích nền kinh tế sau khi chấm dứt chính sách Zero COVID nghiêm ngặt đã kìm hãm tăng trưởng hồi năm ngoái.
Tương tự, quặng sắt kỳ hạn tháng 9 (hợp đồng được giao dịch nhiều nhất) trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc) phiên 11/4 cũng chạm mức thấp nhất kể từ 27/3, là 773,50 CNY/tấn do nhu cầu từ ngành thép nước này yếu mặc dù đang mùa nhu cầu cao điểm. Trên Sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt cùng phiên cũng chạm mức thấp nhất 3 tháng, là 115,2 USD/tấn.
Nhu cầu thép từ các dự án hạ tầng ở Trung Quốc không được như kỳ vọng, trong khi lĩnh vực bất động sản của nước này tiếp tục trì trệ. Trong bối cảnh đó, sự bi quan về thị trường Trung Quốc đang tăng lên. Đó là chưa kể mối lo ngại về sự can thiệp của cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc nhằm kiềm chế giá quặng sắt tăng.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc tuần trước cho biết các cơ quan chức năng sẽ tăng cường giám sát thị trường quặng sắt, yêu cầu các thương nhân không cố tình phóng đại việc tăng giá.
Các nguyên liệu đầu vào khác trong sản xuất thép cũng mất đà, với giá than luyện cốc trên Sàn giao dịch Singapore – phản ánh giá giao ngay tại Úc, nhà xuất khẩu than lớn nhất thế giới – giảm xuống 289,90 USD/tấn hôm 10/4. Đây là mức giá thấp nhất kể từ ngày 30/12 năm ngoái và hợp đồng này đã mất 23,9% kể từ mức cao nhất của năm 2023, là 381 USD tấn đạt được vào ngày 17/2.
Giá thép nội địa của Trung Quốc cũng chịu áp lực, với giá thép thanh vằn kỳ hạn tham chiếu trên sàn Thượng Hải hôm 10/4 ở mức 3.946 nhân dân tệ (574 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 26/12 và giảm 8,8% so với mức cao nhất trong năm nay là 4.328 nhân dân tệ đạt được hôm 14/3.
Không chỉ giá giảm, có những dấu hiệu cho thấy khối lượng quặng sắt nhập khẩu và sản lượng thép cũng đang suy yếu nhẹ.
Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc được Refinitiv ước tính là 94,17 triệu tấn trong tháng 3, tương đương với tốc độ nhập hàng ngày là 3,04 triệu tấn.
Theo dữ liệu hải quan chính thức, con số này giảm so với mức 3,29 triệu tấn mỗi ngày trong hai tháng đầu năm, mặc dù điều đáng chú ý là nhập khẩu trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 2 cao hơn 7,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhập khẩu trong tháng 4 cũng có thể vẫn tiếp tục suy yếu, với dữ liệu của Refinitiv theo dõi lượng hàng đến là 82,34 triệu tấn, mặc dù con số này có thể tăng trong những tuần tới do nhiều hàng hóa được đánh giá là có khả năng được giao vào cuối tháng.
Ngành thép phục hồi mờ nhạt
Sản lượng thép của Trung Quốc cũng yếu đi. Theo dữ liệu của công ty tư vấn MySteel, sản lượng các sản phẩm thép xây dựng, bao gồm thép thanh vằn và thép cuộn, trong tuần kết thúc vào ngày 6/4 giảm 1,04% so với tuần trước đó, xuống 4,23 triệu tấn.
Nhu cầu đối với các sản phẩm thép nói chung so với cùng kỳ còn giảm mạnh hơn, giảm 6,7%, xuống 4,36 triệu tấn.
Việc đồng thời giá giảm, nhập khẩu quặng sắt bằng đường biển và sản lượng thép cũng giảm cho thấy nhu cầu ở Trung Quốc đang ở mức vừa phải.
Có thể những kỳ vọng ban đầu sau khi các hạn chế chống COVID-19 được dỡ bỏ vào cuối năm ngoái là quá lạc quan và những gì đang xảy ra bây giờ chỉ đơn giản là một sự đánh giá lại.
Không có dữ liệu nào cho thấy thị trường Trung Quốc thật sự yếu kém, mà đúng hơn là thị trường đang từ chỗ rất lạc quan chuyển sang chấp nhận thức tế bình thường hơn.
Một yếu tố luôn đáng lưu ý là thông điệp đến từ Bắc Kinh, với các báo cáo rằng Trung Quốc đang xem xét mục tiêu chính thức là giảm sản lượng thép 2,5% vào năm 2023 từ mức 1,018 tỷ tấn của năm ngoái.
Nếu mục tiêu thấp hơn này được xác nhận, điều đó có nghĩa là sự khởi đầu mạnh mẽ của sản xuất thép trong hai tháng đầu năm, khi sản lượng tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2022, sẽ giảm dần trong thời gian còn lại của năm nay.
Điều này cho thấy nhu cầu quặng sắt và than cốc sẽ vẫn ổn định trong thời gian tới, nhưng có thể không tăng nhiều trong năm 2023 nói chung.
VLXD.org (TH/ Nhipsongthitruong)