3 xe khung động phát huy hiệu quả khai thác moong
Từ ý thức tốt…
Là đơn vị khai thác lộ thiên với sản lượng tương đối lớn, nên quá trình khoan nổ mìn, bốc xúc đất đá, vận chuyển than và đất đá, đổ thải của Công ty Cổ phần Than Cao Sơn có tác động không nhỏ tới môi trường. Bên cạnh đó là những ảnh hưởng từ độ rung, tiếng ồn của các thiết bị khai thác, phương tiện vận tải và các máy công cụ.
Năm 2012, tổng giá trị thực hiện công tác BVMT của Cao Sơn là gần 88 tỉ đồng. Trong đó, chi phí cho công tác BVMT tại công ty là gần 16 tỉ đồng; thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước về BVMT là hơn 37 tỉ đồng; ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường gần 35 tỉ đồng; phí nước thải gần 272 triệu đồng.
Hiện tại, Cao Sơn đang sử dụng dây chuyền công nghệ khai thác truyền thống, bao gồm: Làm tơi đất đá bằng khoan- nổ mìn; bóc đất đá bằng hệ thống liên hợp xúc- ô tô vận chuyển- thải đá bãi thải ngoài. Than khai thác được qua sàng tuyển trước khi tiêu thụ… Mặc dù đây là dây chuyền khá đồng bộ, nhưng theo Phó giám đốc Công ty Cổ phần Than Cao Sơn- Ông Đặng Văn Tùng: “Nhằm đảm bảo quá trình khai thác có hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu tác hại đến môi trường, mấy năm gần đây, các thiết bị khai thác, vận tải cũ đang dần được Cao Sơn thay thế bằng các thiết bị hiện đại của các nước tiên tiến…” .
Đặc biệt, ý thức được tầm quan trọng của vấn đề BVMT, từ nhiều năm trước, Cao Sơn đã thành lập Phòng môi trường để trực tiếp chuyên trách về công tác BVMT, với kinh phí dành cho việc thực hiện tăng dần theo từng năm.
Cùng với đó, bắt nguồn từ nhận thức đúng của lãnh đạo công ty để phát triển bền vững, công tác tuyên truyền - giáo dục kiến thức, ý thức trong việc BVMT luôn được Cao Sơn quan tâm và thực hiện thường xuyên.
Hàng năm, công ty chủ động phối hợp với UBND phường Cẩm Sơn, TP. Cẩm Phả (đặt trụ sở địa bàn hoạt dộng của công ty) tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng ngày môi trường thế giới 5/6, ra quân vệ sinh môi trường, thu gom rác thải; triển khai treo các băng zôn, pano, áp phích tuyên truyền về công tác BVMT tại các điểm tập trung đông CBCNV-LĐ và nhân dân, thường xuyên tập huấn và cập nhật kiến thức, các quy định mới về BVMT cho CBCNV phụ trách công tác môi trường…
…Đến hành động đúng
Như nhiều công ty khai thác than lộ thiên khác, trong quá trình Cao Sơn sản xuất than, thường phát sinh nhiều loại chất thải nguy hại. Với các loại chất thải này, Cao Sơn chủ động tổ chức thu gom triệt để và lưu trữ tạm thời tại các kho, bể chứa trước khi chuyển giao cho chủ vận chuyển; xử lý đảm bảo an toàn không rỏ rỉ phát tán ra môi trường, ngăn ngừa sự ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động. Tính riêng năm 2012, tổng số chất thải nguy hại được Cao Sơn thu gom, xử lý là 450.865 kg, bao gồm: Dầu thải, vỏ phi dầu mỡ thải, bình ắc quy thải, mỡ, dầu thải, giẻ lau máy…
Bên cạnh đó, với chất thải rắn thông thường, Cao Sơn trang bị cho các công trường, phân xưởng thùng đựng rác, xe chuyên dụng để thu gom, lưu giữ. Đồng thời ký hợp đồng với Công ty CP môi trường đô thị Cẩm Phả vận chuyển và xử lý 3 lần/tuần. Năm 2012, khối lượng chất thải được công ty xử lý lên tới 682.000 kg.
Cũng trong năm 2012, để hạn chế tối đa sự cố về môi trường, Cao Sơn đã tập trung sửa chữa, nâng cấp kè dọc mương thoát nước chính trên khai trường; xây dựng tường chắn bụi kho than các khu vực sàng; xây dựng vừa đưa vào sử dụng 6 kho lưu trữ tạm thời chất thải nguy hại…
Đặc biệt, nhằm hạn chế cao nhất những tác động tới môi trường, Cao Sơn chủ động áp dụng tối đa các giải pháp công nghệ như: Dùng công nghệ khoan nổ mìn làm tơi đất đá; sử dụng các loại vật liệu nổ được các cấp có thẩm quyền cho phép; kiểm tra siết chặt các bulông đai ốc; san, gạt cải tạo mặt đường liên lạc vận chuyển nhằm hạn chế độ rung, tiếng ồn của các bộ phận chuyển động. Và những nỗ lực của Cao Sơn đã được minh chứng: Kết quả quan trắc môi trường năm 2012, các chỉ tiêu về môi trường của Cao Sơn đều trong giới hạn cho phép.
Năm 2013 là một năm đặc biệt khó khăn với ngành than nói chung, Cao Sơn nói riêng, nhưng Cao Sơn vẫn dành tới 16,5 tỉ đồng cho công tác BVMT (nhiều hơn năm 2012 gần 1 tỉ đồng). Trong đó, phòng chống sự cố, BVMT khoảng 12,5 tỉ đồng; 4 tỉ đồng còn lại dành phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục, đo đạc quan trắc môi trường, thu gom xử lý chất thải…
Nếu có dịp đến với Cao Sơn, ngắm những hàng cây bắt đầu lên xanh xung quanh các khu vực công trường, phân xưởng; chứng kiến không khí xây dựng khẩn trương hệ thống xử lý nước thải mỏ (trị giá hơn 40 tỉ đồng), tận mắt nhìn thấy những nỗ lực của mỗi người lao động trong từng hành động nhỏ nhằm góp phần BVMT…bạn sẽ cảm nhận và thấu hiểu hơn quyết tâm “xanh hóa” môi trường của Công ty Cổ phần Than Cao Sơn.
Theo baocongthuong