>> Bộ Tài chính đồng tình đề nghị dừng sử dụng amiang trắng vào năm 2020
>> VUSTA kiến nghị dừng sử dụng amiăng trắng vào năm 2020
Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời kiến nghị của một số thành viên của Hội Hóa học Việt Nam về việc dùng sử dụng
amiăng trắng ở Việt Nam.
Theo Bộ Xây dựng, hiện trên thế giới hiện đang có 2 nhóm amiăng là nhóm amiăng nâu và xanh (nhóm amphibolie); nhóm amiăng trắng (nhóm serpentine). Đối với amiăng nâu và xanh hầu hết các nước đều cấm sử dụng, còn đối với amiăng trắng, hiện nay có 54 quốc gia cấm sử dụng, 149 quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép sử dụng amiăng trắng kèm theo các quy định về kiểm soát an toàn.
Trong số các nước đang cho phép sử dụng amiăng trắng có các nước phát triển như: Hoa Kỳ, Canada, Liên bang Nga, Brazin... các nước trong khu vực châu Á như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Maylaysia và Việt Nam...
Tại Việt Nam đã cấm hoàn toàn amiăng nâu và xanh, hiện vẫn cho phép sử dụng amiăng trắng để sản xuất
tấm lợp kèm theo các quy định về kiểm soát an toàn. Tấm lợp amiăng được sản xuất và sử dụng tại Việt Nam từ năm 1963, đã phát triển thành một ngành công nghiệp gồm 41 cơ sở sản xuất với công suất thiết kế hơn 106 triệu m2/năm, sử dụng hơn 5.000 lao động. Từ năm 2008 đến nay, mỗi năm sản xuất và tiêu thụ khoảng 80-90 triệu m2/năm. Tấm lợp amiăng có ưu điểm là giá rẻ, độ bền cao, dễ sử dụng, phù hợp với các vùng nông thôn, ven biển, miền núi, nhất là trong các trường hợp khắc phục sự cố thiên tai.
Những năm gần đây, có nhiều ý kiến trái chiều về ảnh hưởng của amiăng trắng đối với sức khỏe con người. Bộ Xây dựng đã chủ động nghiên cứu, thu thập các tài liệu, kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành có liên quan, các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức các hội thảo để đánh giá tác động của amiăng trắng đối với sức khỏe con người, cũng như để tìm kiếm giải pháp sử dụng
vật liệu khác thay thế
tấm lợp amiăng.
Tại Việt Nam, amiăng chủ yếu sử dụng trong ngành sản xuất tấm lợp fibro xi măng
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10/12/2014 Bộ Xây dựng cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa XIII đồng chủ trì Hội nghị khoa học quốc tế “Đánh giá tác động của amiăng trắng đối với sức khỏe con người – Biện pháp quản lý phù hợp”. Kết quả của Hội nghị này cũng tương tự các hội thảo trước đó, cho thấy cả trên thế giới và ở Việt Nam vẫn tồn tại song song 2 luồng quan điểm đó là: Cho rằng amiăng trắng có hại đến sức khỏe con người, không có ngưỡng an toàn nên cần phải cấm sử dụng, sản xuất; Quan điểm thứ 2 thì lại cho rằng, amiăng trắng nếu được kiểm soát an toàn thì không đáng lo ngại và do đó ủng hộ việc cho phép sản xuất, sử dụng amiăng trắng có kiểm soát an toàn như ở 149 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.
Với những quan điểm trên, Bộ Xây dựng đã tổng hợp kết quả của Hội nghị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 100/BXD-BC ngày 31/12/2014 trong đó có đưa ra kiến nghị: “Ở Việt Nam, để hạn chế sử dụng phải có lộ trình thích hợp, xét đến các yếu tố xã hội như vật liệu lợp cho hàng chục triệu người dân nghèo và người dân vùng thiên tai, công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động... Hạn chế cũng đi kèm với tìm vật liệu thay thế, nhưng chúng ta chưa tìm được vật liệu thay thế thích hợp với đặc tính tốt và giá cả hợp lý để người dân có thể trang trải được”.
Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 hoàn toàn phù hợp với các cơ sở khoa học. Trong đó đã chỉ ra lộ trình hạn chế sử dụng tấm lợp amiăng: Đến năm 2020 không đầu tư mới hoặc mở rộng các cơ sở có sử dụng amiăng trắng; thực hiện chuyển đổi dần việc sử dụng các loại sợi thay thế sợi amiăng trắng. Sau năm 2020 xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới chấm dứt việc sử dụng amiăng trắng trong sản xuất vật liệu lợp.
Trước đó, ngày 10/2/2017, Bộ Xây dựng nhận được công văn số 1009/BCT-HC của Bộ Công thương về việc xin ý kiến bổ sung một số hóa chất vào Phụ lục II của Công ước Rotterdam. Về nội dung này, Bộ Xây dựng vẫn giữ nguyên quan điểm như đã trả lời Bộ Công thương tại công văn số 19/BXD-VLXD ngày 21/3/2013 trong đó Bộ Xây dựng cho rằng chưa cần thiết bổ sung hóa chất công nghiệp asbestos chrysotile (amiăng trắng) vào phụ lục 3 của công ước Rotterdam.
Mặc dù hiện nay ở Việt Nam chưa có sự thống nhất cao về tác hại của amiăng trắng đối với sức khỏe con người, nhưng với quan điểm bảo vệ sức khỏe con người lâu dài, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho dừng sử dụng amiăng trắng trong sản xuất vật liệu xây dựng từ năm 2023. Từ nay cho đến năm 2023, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện một số công việc như: Kiểm soát chặt chẽ điều kiện sử dụng amiăng trằng trong sản xuất
vật liệu xây dựng theo quy định; Xây dựng lộ trình, đề xuất các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp đang sản xuất vật liệu xây dựng có sử dụng amiăng trắng để các
doanh nghiệp này chấm dứt sản xuất từ năm 2023; Tiếp tục nghiên cứu vật liệu xây dựng khác thay thế tấm lợp có sử dụng amiăng trắng; Ngoài ra còn sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý có liên quan.
Amiăng trắng (tiếng Anh là chrysotile ) là một loại sợi khoáng vô cơ có cấu tinh thể dạng sợi dài, mảnh và xốp. Tên amiăng trắng được dùng để phân biệt với amiăng xanh, nâu, vốn là loại amiăng cực kỳ độc hại và đã bị cấm sử dụng từ lâu. Với những đặc tính ưu việt như độ bền, chịu nhiệt và ma sát, cách điện, cách âm và giá thành rẻ, amiăng trắng từng được coi là nguyên liệu đầu vào hữu ích trong sản xuất, đặc biệt là với ngành xây dựng và công nghiệp nặng. Tại Việt Nam, amiăng trắng được sử dụng chủ yếu trong sản xuất tấm lợp fibro ximăng và trong gần 60 năm qua, amiăng đã là một vật liệu hữu ích. |
Theo Báo Xây dựng