Theo Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận, thực hiện nghiêm lộ trình xóa bỏ các lò gạch thủ công, lò vôi thủ công theo Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ, theo lộ trình, đến năm 2018, tỉnh Ninh Thuận sẽ xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng bằng lò nung thủ công.
Hiện nay toàn tỉnh có đến 7 cơ sở sản xuất
vật liệu xây dựng bằng lò nung thủ công với tổng công suất thiết kế 5.940.000 viên/năm, trong đó có hai cơ sở đã dừng hoạt động.
Ngoài ra, Ninh Thuận cũng có đến 3 công ty đang sản xuất
gạch đất sét nung bằng công nghệ lò tuynel với công suất thiết kế hơn 114 triệu viên/năm và 1 công ty cán
sắt thép với công suất 3.600 tấn/năm.
Hầu hết, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng bằng lò nung thủ công trên địa bàn tỉnh đều không đảm bảo an toàn vận hành, gây nguy hiểm đến tính mạng người lao động; không đảm bảo chất lượng sản phẩm; gây ô nhiễm môi trường xung quanh nhà máy; vi phạm quy định về khai thác tài nguyên đất làm vật liệu nung, gây ảnh hưởng lớn đến diện tích đất sản xuất nông nghiệp…
UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo chính quyền các địa phương trong tỉnh không cấp giấy phép cho các dự án mới để sản xuất gạch đất sét nung; đình chỉ xây dựng, buộc tháo dở các dự án đang xây dựng trái phép, không phép.
Với dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa triển khai đầu tư thì không được tiếp tục đầu tư, khuyến khích chuyển sang xây dựng dây chuyền sản xuất
gạch không nung.
Đối với các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng công nghệ lò tuynel hiện có, UBND tỉnh Ninh Thuận khuyến khích các công ty phát huy đầy đủ năng lực sản xuất đã đầu tư. Trên cơ sở đó tiếp tục đầu tư cải tạo lò nung, hệ thống chế biến và hệ thống sân bãi để nâng sản lượng lên từ 1,2 đến 1,5 lần so với công suất thiết kế, nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm giá thành sản phẩm, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng trên thị trường.
VLXD.org (TH)
Ý kiến của bạn