GS-TS Nguyễn Ân Niên - Chủ tịch Hội Thủy lợi TPHCM cho rằng, ngoài các mỏ cát do các lòng sông cổ để lại, ngành địa chất, trong quá trình khai thác mỏ, cần đi liền với việc tìm các mỏ sa khoáng để lập kế hoạch khai thác và xay nghiền thành
cát xây dựng nhân tạo, đồng thời cần tận thu nguồn cát không để rơi vãi ra môi trường làm tắc nghẽn nguồn sông.
Ông Nguyễn Đức Toản, Phó Chủ tịch Hội Xây dựng ngầm Việt Nam, cho hay hiện nay nhiều công trình xây dựng, nhất là các công trình giao thông vẫn sử dụng cát nhân tạo nghiền ra từ
sỏi, đá nổ mìn…
Loại cát này thích hợp để làm
bê tông mác (khả năng chịu nén) thấp. Các loại bê tông mác cao thì yêu cầu chất lượng cát có kích cỡ đồng đều. Tuy nhiên, công nghệ nghiền sàng ngày càng phát triển, do đó chất lượng cát nhân tạo cũng ngày càng cải thiện. Ngoài chất lượng thì giá thành cát nhân tạo hiện nay cao hơn cát tự nhiên và đây cũng là một nguyên nhân khiến các doanh nghiệp vẫn đổ dồn vào việc sử dụng nguồn
cát tự nhiên.
Bàn về vấn đề này, theo ông Toản, giá cát tự nhiên và cát nhân tạo không chênh lệch quá nhiều, bên cạnh đó, nếu
doanh nghiệp không tìm được mỏ cát tự nhiên gần công trình mà phải vận chuyển từ xa đến thì rõ ràng chi phí để nổ mìn, nghiền đá thành
cát nhân tạo sẽ rẻ hơn chi phí mua cát tự nhiên.
Tuy vậy, về bản chất thì loại cát nhân tạo đang được sử dụng hiện nay vẫn “xuất thân” từ tài nguyên thiên nhiên nên cũng sẽ đến lúc cạn kiệt. Vì thế, cùng với việc sử dụng nguồn cát nghiền từ đá, đã có nhiều nghiên cứu tái chế, tái sử dụng chất thải để làm cát nhân tạo.
Chẳng hạn, gần đây đã có doanh nghiệp đã tái chế thành công xỉ thải tại bãi than Mông Dương, Quảng Ninh thành cát nhân tạo. Việc tái chế này, không những xử lý được vấn đề ô nhiễm môi trường ở bãi thải mà còn tạo ra loại vật liệu mới, tiết kiệm xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình.
Ngoài ra, giới chuyên môn về khoáng sản cũng cho rằng, các loại thuế, phí hiện nay quá thấp cũng là một nguyên nhân khiến việc khai thác cát chưa thể “hạ nhiệt”. Cụ thể, Luật Thuế Tài nguyên, đất khai thác san lấp, xây dựng công trình chịu thuế từ 3% - 10% giá bán, cát chịu thuế từ 5% - 15% giá bán...
Nghị định 12/2016 về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, cát vàng từ 3.000 - 5.000 đồng/m3, cát trắng từ 5.000 - 7.000 đồng/m³, các loại cát khác từ 2.000 - 4.000 đồng/m³, sỏi/cuội/sạn từ 4.000 - 6.000 đồng/m³, đất san lấp xây dựng công trình từ 1.000 - 2.000 đồng/m³. Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng. Vì thế, ngày càng có nhiều đề xuất về việc tăng phí, thuế đối với khoáng sản để hạn chế nạn cấp phép khai thác ồ ạt cũng như đảm bảo tính hiệu quả cho các giải pháp phục hồi và bảo vệ môi trường.
Ở Mỹ, Canada, từ những năm 1990 đã có các khuyến nghị cụ thể cho từng con sông, đoạn sông, hướng dẫn, giám sát, quản lý khai thác vật liệu đáy sông. Ở một số nước như Pháp, Ý, Ba Lan… vật liệu đáy sông đã được hạn chế khai thác hoặc cấm chính thức trong những thập kỷ gần đây, do những tác động bất lợi đối với môi trường. Ở Malaysia đã xuất bản hướng dẫn kỹ thuật về khai thác cát, sỏi trên sông, trong đó có quy định quan trọng nhất là khối lượng khai thác không được vượt quá khối lượng lắng đọng từ thượng lưu về.
VLXD.org (TH/SGGP)