Xanh theo phong cách Việt NamCó 5 nội dung chính để xác định một công trình hoặc đồ án thuộc diện "xanh" là: Địa điểm bền vững; sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả; chất lượng môi trường sống trong nhà kiến trúc tiên tiến, bản sắc; tính xã hội - nhân văn bền vững.
Tiêu chí kiến trúc xanh Việt Nam cần phù hợp với xu thế “xanh” của thế giới.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Thế giới đã xây dựng các tiêu chí cho công trình xanh từ lâu, tuy nhiên thường thiên về yếu tố kỹ thuật, kèm theo những phương tiện đánh giá, giám sát chặt chẽ, cụ thể. Còn Hội KTS có quan điểm khác: Tiêu chí "xanh" trong kiến trúc không chỉ được bảo đảm về các yếu tố kỹ thuật, năng lượng… mà những yếu tố xã hội, nhân văn cũng phải bền vững.
5 tiêu chí trên, Hội đã từng đưa ra trong phiên họp Hội đồng Kiến trúc sư Châu Á (ARCASIA) và nhận được sự phản hồi tích cực, rằng các tiêu chí này của Việt Nam đáng phải đưa ra bàn luận vì nó đặt ra vấn đề thay đổi tư duy về KTX, không còn thuần túy về kỹ thuật mà KTX phải đi sâu hơn, đưa kiến trúc về đúng bản chất là công trình mang tính xã hội sâu sắc.
Tiêu chí có sát với đời sống?Thử điểm qua những nét chính của 5 tiêu chí nói trên để cùng nhìn nhận độ sát với đời sống của những "thước đo" này và dự báo những ảnh hưởng của nó tới việc điều chỉnh hoạt động kiến trúc theo hướng xanh hơn ở nước ta. Địa điểm bền vững là tiêu chí đầu tiên khẳng định một công trình được xây dựng phải thể hiện thái độ đúng đắn với môi trường xung quanh, nghĩa là góp phần bảo vệ và làm tăng giá trị môi trường sống ở đó. Công trình ấy, tại địa điểm ấy còn phải bảo đảm khả năng hạn chế tối đa tác động của thiên tai…
Thứ hai là phải sử dụng tài nguyên năng lượng hiệu quả. Đây là tiêu chí mà gần như tất cả các nước đều quan tâm, vận dụng với những con số tính toán cụ thể. Ví dụ ở Mỹ, mỗi bang có một phòng thí nghiệm riêng để lo việc này, giúp công bố những chỉ số liên quan đến sử dụng tài nguyên, năng lượng của công trình… Nhưng ở ta, hiện giờ không đưa ra những thước đo chính xác cho tiêu chí này, bởi lẽ… chưa đủ thiết bị để đo! Tuy nhiên, như chia sẻ của Hội KTS Việt Nam, nội dung này vẫn có ý nghĩa định hướng chung trong việc tiết kiệm đất đai trong xây dựng, khai thác hiệu quả không khí và ánh sáng tự nhiên, sử dụng vật liệu thân thiện… KTS Nguyễn Tấn Vạn khẳng định: "Công trình xây dựng mà lãng phí đất đai, hay mới xây mà dùng gạch nung, hoặc sử dụng những vật liệu tác động xấu đến không khí trong nhà là không chọn".
Bên cạnh đó, liên quan đến tiêu chí này, những công trình trong quá trình thi công mà sử dụng được công nghệ xanh: không gây nhiều tiếng ồn, bụi bẩn… cũng được ghi điểm. Các tiêu chí này không chỉ hướng tới các chủ đầu tư lớn, các KTS mà rõ ràng nếu được tuyên truyền tốt thì còn tác động trực tiếp đến người dân và ngôi nhà của họ. Ví như, tiêu chí thứ 3 có đặt vấn đề bảo đảm chất lượng môi trường trong nhà, cụ thể là sử dụng không gian bên trong cho hiệu quả, tránh lãng phí, sử dụng nội thất hợp lý hay thông gió tự nhiên, hạn chế hiện tượng ngưng tụ ẩm hoặc phát tán độc chất… Rõ ràng, hướng tới tiêu chí KTX, bản thân mỗi người, mỗi gia đình sẽ ý thức hơn, quan tâm hơn đến những điều tưởng rất nhỏ nhưng lại vô cùng quan trọng với môi trường, chất lượng sống của bản thân và gia đình…
Tại buổi công bố tiêu chí KTX Việt Nam, bên cạnh tiêu chí thứ 4 về kiến trúc tiên tiến, bản sắc và các nội dung nêu trên, báo giới cũng bày tỏ băn khoăn đối với việc áp dụng nội dung của tiêu chí cuối cùng khi tuyển chọn công trình xanh là "Tính xã hội và nhân văn bền vững". Hay thì hay rồi, nhưng xác định thế nào là "tính xã hội và nhân văn bền vững" thì không dễ. Hội KTS cho rằng: Đây là vấn đề khó nhưng cũng như các tiêu chí trên, Hội đặt ra những nguyên tắc có tính định hướng, như: Tôn trọng quyền, lợi ích hưởng thụ của cộng đồng dân cư, bảo đảm hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật, tăng cường trợ giúp của xã hội đối với người nghèo, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong quá trình xây dựng, khai thác sử dụng công trình… như sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ, tạo việc làm cho người dân địa phương… Bên cạnh đó, công trình xây dựng cũng phải góp phần gìn giữ, bảo tồn giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tại địa phương.
Như vậy, việc ra đời Tiêu chí KTX là một trong những nội dung cam kết của Hội KTS Việt Nam cách đây hai năm khi tổ chức này ra Tuyên ngôn KTX nhằm kêu gọi các nhà đầu tư, kiến trúc sư, kỹ sư, các tổ chức hành nghề kiến trúc, quy hoạch, cơ quan quản lý các cấp và cộng đồng dân cư… phấn đấu cho sự nghiệp phát triển KTX Việt Nam. Và KTX - Con đường tạo lập môi trường sống bền vững cho con người đã được xác định chính là hướng phát triển của kiến trúc Việt Nam, bởi hiện nay nước ta, cũng như nhiều nước trên thế giới, đang phải đối mặt với thách thức lớn về môi trường sống do biến đổi khí hậu.
Theo Baoxaydung (QT)