Mỗi năm phát thải hàng chục triệu tấn tro, xỉ
Hiện nay, cả nước có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành và một số nhà máy sản xuất phân bón hóa chất DAP, nhà máy luyện
thép, phát thải ra hơn 20 triệu tấn
tro, xỉ mỗi năm. Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, năm 2016, chỉ tính riêng lượng tro, xỉ tích lũy của các nhà máy nhiệt điện là 23 triệu tấn, dự kiến đến năm 2018 là 61 triệu tấn, năm 2020 là 109 triệu tấn và đến năm 2030 là 422 triệu tấn.
Lượng phát thải tro, xỉ, thạch cao tạo ra những thách thức cho đất nước khi phải sử dụng diện tích đất lớn để làm bãi chứa và nhiều áp lực môi trường khác. Đồng thời, các nhà máy cũng phải sử dụng công nghệ phun tưới, quản lý các bãi tro, xỉ này rất vất vả. Có thể kể đến một số ví dụ điển hình như tại Nhà máy DAP Đình Vũ (TP Hải Phòng), sau 7 năm hoạt động, nhà máy này thải ra hàng triệu tấn phế thải, chất thành đống cao hàng chục mét gây ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh. Hay trường hợp của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (tỉnh Bình Thuận) từng xảy ra sự cố một lượng lớn bụi, xỉ than phát tán vào không khí làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe người dân.
Theo ông Phạm Văn Bắc, Phó vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), một trong những bất cập hiện nay là chưa có cơ chế xác đáng để xử lý đơn vị sản xuất công nghiệp tạo ra chất phế thải, cũng chưa có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ với người sử dụng chất phế thải làm nguyên liệu cho lĩnh vực khác, nên chưa tạo điều kiện để xử lý triệt để các loại phế thải.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, lượng tro, xỉ, thạch cao thải ra từ nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất được xử lý, đưa vào sử dụng còn hạn chế. Lượng tro, xỉ, thạch cao tiêu thụ được chỉ khoảng hơn 30% (tương đương 5 triệu tấn) so với tổng lượng thải ra hằng năm.
Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là chính sách trước đây không bắt buộc xử lý tro, xỉ, thạch cao. Tro, xỉ, thạch cao chỉ cần lưu chứa, không chuẩn bị để xử lý. Nhiều nhà máy nhiệt điện vùng ven biển thậm chí sử dụng nước mặn để xả thải và phun vào tro, xỉ để dập bụi, vì vậy tro, xỉ bị nhiễm mặn, không thể sử dụng làm vật liệu xây dựng hoặc sử dụng trong công trình xây dựng, trở thành chất thải vĩnh viễn. Rõ ràng, việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao để tái sử dụng làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác là yêu cầu hiện hữu, cấp thiết, vừa giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường, vừa tận dụng được tài nguyên.
Bãi chứa tro, xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (tỉnh Bình Thuận).
Biến tro, xỉ thành nguồn nguyên liệu có ích
Trên thực tế, tro, xỉ than có thể được tái sử dụng làm nguyên liệu cho một số ngành công nghiệp, đặc biệt trong sản xuất
vật liệu xây dựng như: Làm
phụ gia cho sản xuất
xi măng,
bê tông,
vật liệu xây dựng không nung... Tại một số nước công nghiệp phát triển, 80-90% nguyên liệu thải ra từ các nhà máy nhiệt điện được tái sử dụng. Trong khi đó, ở nước ta, lượng tro, xỉ được dùng còn rất hạn chế, chủ yếu vẫn xử lý bằng hình thức chôn lấp.
PGS, TS Lương Đức Long, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, không phải nhà sản xuất nào,
doanh nghiệp nào ở trong nước cũng biết là phế thải có thể dùng để thay thế nguyên liệu tự nhiên. Doanh nghiệp cũng chưa thấy được lợi ích khi sử dụng các chất phế thải trên. Lấy ví dụ từ tro bay, PGS, TS Lương Đức Long nêu vấn đề, khi dùng tro bay, doanh nghiệp vẫn phải bỏ tiền ra mua, đồng thời phải bỏ chi phí cao cho công nghệ tái chế, bởi vì xỉ than do nhà máy nhiệt điện thải ra vẫn còn lượng than chưa cháy hết, không tái chế không sử dụng được. Doanh nghiệp tạo ra sản phẩm nhưng khó khăn trong tiêu thụ do người dân chưa ý thức ưu tiên sử dụng sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.
Để sử dụng nguồn nguyên liệu từ tro, xỉ than hiệu quả, theo PGS, TS Lương Đức Long, hiện nay, cơ chế chính sách của nước ta về khuyến khích sử dụng tro, xỉ than làm nguyên liệu sản xuất đã có, nhưng mới ở tầm vĩ mô, còn quy định cụ thể chi tiết để cho nhà đầu tư được hưởng lợi vẫn hạn chế. Muốn doanh nghiệp đầu tư thì phải có lợi nhuận và có đầu ra. Vì thế, cơ chế, chính sách cần cụ thể hơn nữa, ưu đãi cho doanh nghiệp bằng tiền hay đất đai, giảm thuế... Mặt khác, phải có quy định là các cơ sở phát thải phải hỗ trợ chi phí xử lý môi trường cho những đơn vị tái sử dụng chất thải đó...
Trước những yêu cầu từ thực tiễn, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện dự thảo Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng. Dự thảo đã được trình Thủ tướng Chính phủ. Theo dự thảo, từ nay đến năm 2020 sẽ xử lý và tái sử dụng 75 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao (chiếm 52% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao tích lũy). Các doanh nghiệp phát thải đang hoạt động phải lập đề án xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao hoàn thành trước ngày 31-12-2018. Đối với các dự án đang xây dựng, nếu chưa có đề án thu gom, xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao phải lập bổ sung và phê duyệt trước khi đưa vào hoạt động. Dự thảo cũng quy định một số chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp tái sử dụng chất phế thải này, như giảm 30% thuế VAT.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm, dự thảo quy định các dự án xây dựng, san lấp, làm đường giao thông từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước phải sử dụng các vật liệu có chứa tro, xỉ, thạch cao nếu giá mua các sản phẩm này bằng hoặc thấp hơn loại có tính năng tương đương.
Làm rõ thêm về các nội dung của dự thảo đề án, ông Phạm Văn Bắc cho biết: "Đề án này gắn liền với chương trình phát triển vật liệu xây không nung, các chất phế thải được xử lý để chuyển thành nguyên liệu sản xuất vật liệu xây không nung và các loại vật liệu khác. Đề án sẽ tạo cơ sở để xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích nghiên cứu, sử dụng các loại vật liệu tái chế, trong đó có vật liệu xây không nung, từ đó sẽ giúp giảm lượng phát thải, giảm tác nhân gây ô nhiễm môi trường".
Bên cạnh xây dựng cơ chế, chính sách để góp phần giảm áp lực dư thừa phế thải tro, xỉ, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Học viện Kỹ thuật Quân sự thực hiện công trình nghiên cứu “Sử dụng phế thải tro, xỉ xây dựng sân bãi, kho tàng quốc phòng” do PGS, TS Nguyễn Thái Dũng làm chủ nhiệm đề tài. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát phế thải tro, xỉ tại Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải. Đồng thời, xác định được các chỉ tiêu đối với lớp nền, lớp mặt sân bãi, kho tàng theo yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị quân đội. Nhóm nghiên cứu cũng xây dựng quy trình thi công lớp nền, lớp mặt của sân bãi kho tàng quốc phòng có sử dụng sản phẩm tái chế, đáp ứng các chỉ tiêu yêu cầu đã đề ra.
Để đẩy mạnh việc tái sử dụng tro, xỉ, thạch cao phục vụ trực tiếp cho ngành xây dựng, cần có những chính sách phù hợp như: Quy định các cơ sở phát thải phải cung cấp miễn phí tro, xỉ than, hỗ trợ kinh phí xử lý cho đơn vị tái chế để từ đó hạ giá thành vật liệu xây dựng tái chế. Nếu các vật liệu xây dựng làm từ tro, xỉ than, thạch cao có giá thành rẻ, chất lượng bảo đảm thì chắc chắn sẽ tạo ra nhu cầu lớn hơn trên thị trường. Muốn vậy, cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng cũng như sự ủng hộ của cộng đồng.
Theo QĐND