Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La đã thực hiện đồng bộ giải pháp tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, cơ sở thực hiện lộ trình xóa bỏ lò gạch đất sét nung thủ công và mở rộng cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Quá trình triển khai, UBND các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch phát triển vật liệu xây không nung, lộ trình cắt giảm, xóa bỏ lò gạch đất sét nung thủ công, phù hợp tình hình, nhu cầu vật liệu gạch xây dựng của địa phương.
Trong đó, 8/12 huyện, thành phố đã thực hiện cắt giảm lò gạch thủ công bảo đảm theo lộ trình, điển hình như: Huyện Sông Mã giảm 50 lò, huyện Yên Châu 14 lò; giảm 57,7% tổng số lò trên địa bàn tỉnh so với năm 2013.
Tuy nhiên, việc sắp xếp, sáp nhập các cơ sở sản xuất gạch nung thủ công để chuyển sang mô hình sản xuất gạch nung công nghệ hiện đại lò tuynel, hoặc sản xuất gạch không nung đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, thị trường tiêu thụ gạch không nung hiện còn hạn chế. Vì vậy, trên địa bàn các huyện Mường La, Thuận Châu, Mai Sơn và thành phố vẫn còn lò gạch nung thủ công đang hoạt động, gây khó khăn trong công tác sáp nhập, chuyển đổi.
Chủ tịch UBND huyện Mường La Nguyễn Đức Thành cho biết, sản xuất gạch nung thủ công vốn là ngành nghề lâu đời, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình. Việc dừng sản xuất gạch đất sét nung sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm của một số lớn lao động. Vì vậy, cùng với tập trung các giải pháp thực hiện xóa bỏ lò gạch thủ công, thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện để các hộ chuyển đổi sang trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Đối với 2 lò gạch nung thủ công hoạt động tại xã Pi Toong và Mường Bú, qua kiểm tra, rà soát, huyện đã lập biên bản đình chỉ hoạt động và các cơ sở đã chấp hành.
Mục tiêu đặt ra là đầu tư các cơ sở sản xuất gạch không nung và đưa vào sử dụng thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 65 - 75% vào năm 2020. Sở Xây dựng đã hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục hành chính để các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu không nung đăng ký thông tin doanh nghiệp, giá công khai trên trang thông tin điện tử của Sở. Các huyện, thành phố đã phối hợp với UBND các xã tổ chức tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất về chủ trương của tỉnh, kế hoạch của huyện, thành phố để chủ động phương án sản xuất, chuyển đổi mô hình theo lộ trình kế hoạch đề ra. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 9 cơ sở sản xuất gạch không nung có công suất thiết kế từ 1,8 - 17 triệu viên/năm và hàng chục cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hộ gia đình.
Việc cắt giảm, xóa bỏ lò nung thủ công, chuyển đổi sang sản xuất vật liệu công nghệ tiên tiến là phù hợp với xu thế phát triển và thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, để hoàn thành xóa bỏ lò gạch đất sét nung thủ công đúng lộ trình, UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền; tăng cường thanh tra, xử lý việc gây ô nhiễm môi trường từ các lò gạch nung thủ công trên địa bàn; xử lý vi phạm sử dụng đất sai mục đích; khai thác tài nguyên đất để sản xuất gạch nung không có giấy phép. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý việc khai thác trái phép đất nông nghiệp để sản xuất gạch thủ công; vận động thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp chuyển đổi sau khi xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn.
VLXD.org (TH/ ĐBND)
Ý kiến của bạn