Nhiều thập kỷ qua, bà Nargis Latif (ở Pakistan) luôn tích cực vận động cho chương trình nâng cao nhận thức về tái chế rác công nghiệp và dùng rác thải để dựng nhà tạm cho người nghèo.
Bà Latif trong ngôi nhà làm từ rác - Ảnh: Chụp từ clip YouTube
Số rác thay vì được đốt đi, theo đó làm gia tăng ô nhiễm môi trường, đã được bà Latif kêu gọi thu gom để làm nhà với kinh phí siêu rẻ cho người nghèo ở Karachi (thành phố đông dân nhất Pakistan).
Dự án đầy ý nghĩa của Latif bắt đầu từ những năm 1960, xuất phát từ một cuộc tranh cãi vì chuyện đốt rác gần căn hộ của bà. Latif lập ra một tổ chức phi chính phủ có tên gọi Gul Bahao, chuyên thu gom rác thải thay vì để chúng bị bỏ đi.
"Tôi đã bàn với hàng trăm đại lý rác là họ có thể cung cấp các loại rác thông thường như giấy, bìa các tông, túi shopping, nhựa, thủy tinh và kim loại. Tôi trả họ tiền và thói quen mới đã bắt đầu. Trước đó thì họ chỉ chú trọng vào việc thu mua những đồ gia dụng cũ như radio, đồng hồ".
Nhưng việc đảm bào nguồn quỹ dài lâu cho hoạt động này là một thách thức không nhỏ. "Thật sự không dễ chút nào. Tôi đã vay mượn, thậm chí với lãi suất rất cao. Nhưng cuối cùng, kết quả thu được là rất tuyệt vời", bà Latif nhớ lại.
Trên thực tế, mạng lưới đại lý rác cung ứng cho bà Latif rất tốt. Và số rác thải đã được biến thành những thứ gia dụng đơn sơ nhưng có thể dùng được, kể cả nhà vệ sinh.
Sau trận động đất năm 2005 ở Pakistan, Latif đã dựng lên những ngôi nhà làm từ túi mua sắm, và đặc biệt là những công trình trú ẩn ở vùng hẻo lánh xa xôi.
Kể từ ấy, tổ chức của bà Latif đã không ngừng xây dựng những ngôi nhà làm bằng rác như thế với tên gọi Chandi Ghars (nhà bạc). Tính đến hiện tại, tổ chức Gul Bahao đã gây quỹ để xây dựng 150 ngôi "nhà bạc" khắp cả nước, đặc biệt là ở Tharparkar (tỉnh Sindh), nơi có nhiều người nghèo luôn phải chống chọi với nạn hạn hán.
Dù đã 60 tuổi, nhưng bà Latif vẫn đang tích cực làm chuyển biến nhận thức của người dân về rác thải, dù gặp không ít khó khăn về kinh phí hoạt động.
"Còn điều khó khăn khác đó là vẫn còn nhiều người thấy ngại khi sống trong căn nhà làm từ rác. Thật khó để thay đổi kiểu nhận thức như vậy", bà Latif nói.
Con đường của Latif vẫn đầy chông gai nhưng bà chưa bao giờ có ý định từ bỏ, mà còn quyết tâm cống hiến tâm sức cả đời mình cho việc nâng cao nhận thức của xã hội về việc tái chế và tái sử dụng rác thải công nghiệp một cách có ích.
Theo Ihay