>> Tín hiệu khởi sắc từ các đơn vị thành viên VICEM
>> Giá xi măng Vicem giữ ổn định
>> Vicem áp dụng nhiều giải pháp giảm tiêu hao năng lượng
Theo phương án điều chỉnh dự án và đầu tư hoàn thiện dự án trung tâm điều hành và giao dịch Vicem tại báo cáo gửi Bộ Xây dựng, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) dự kiến sẽ thay đổi thiết kế mặt dựng phần khối tháp từ tầng 6 đến tầng 31 (bỏ hệ lam đá bao che và hệ thống sàn thao tác phục vụ công tác bảo trì, bảo dưỡng phía ngoài phần vách kính).
Theo đó, tổng diện tích sàn xây dựng còn lại sau điều chỉnh là 50.613m2, giảm khoảng 4.887m2. Trong đó, tổng diện tích sàn xây dựng, dự kiến được cho thuê sàn sử dụng dịch vụ, văn phòng và kinh doanh thương mại là 23.962m2, khoảng 47% diện tích sàn xây dựng.
Tổng diện tích sàn xây dựng còn lại do Vicem sử dụng làm trụ sở tổng công ty và các đơn vị thành viên.
Vicem cho biết đã rà soát quy mô để tiết giảm chi phí đầu tư đối với dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem với tổng mức đầu tư sơ bộ điều chỉnh của dự án khoảng 2.354 tỷ đồng. Trong đó, phần giá trị thanh toán khối lượng công việc đã thực hiện là 1.203 tỷ đồng. Phần khối lượng công việc cần tiếp tục đầu tư để hoàn thành dự án dự kiến khoảng 1.150 tỷ đồng.
Tổng công ty này sử dụng nguồn vốn tự có của mình để hoàn thiện dự án này.
Cuối tháng 3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương cho phép Vicem được tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án trên. Sau khi được chấp thuận, Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo Vicem thực hiện, đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư, sử dụng đất và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Về đề nghị trên, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Nguyên và Môi trường và UBND TP. Hà Nội yêu cầu có ý kiến liên quan.
Được biết, dự án trung tâm điều hành và giao dịch Vicem có quy mô gồm tòa nhà cao 31 tầng nổi và 4 tầng hầm, với tổng diện tích sàn khoảng hơn 78.000m2, trong đó phần nổi khoảng 54.000m2, đáp ứng 200 chỗ đỗ xe ngầm.
Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là gần 2.000 tỷ đồng, sau đó số vốn đầu tư đã tăng lên hơn 2.700 tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra diện mạo mới cho hoạt động kinh doanh của khu vực.
Tuy nhiên, kế từ khi được cấp phép xây dựng vào năm 2011 thì đến nay dự án này mới hoàn thiện phần thô và hiện trong tình trạng "đắp chiếu", bỏ hoang, nhiều hạng mục của dự án xây dựng đã xuống cấp, bê tông bong tróc, rêu mốc, gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị.
VLXD.org (TH/ vietnamfinance)