Tác giả Hoài thanh (giữa), Bà Giám đốc Pauline Taylor- McKeown cùng các bạn
và Bà Giám đốc Đào Thị Việt Nga chụp ảnh kỷ niệm tại Triển lãm.
“Những bức ảnh chứa đầy tình cảm như chính câu chuyện về việc sử dụng nguồn nước cho phát triển. Sự phát triển thường đem lợi ích cho một số người nhưng cũng có lúc làm tổn hại đến nhiều người khác. Những bức ảnh đẹp này là cuộc khảo sát, ghi lại từ cuộc sống để người xem thấy cần xem xét quy hoạch thủy điện, để sử dụng nguồn nước sao cho tốt”. Đây chính là nội dung mà bà Pauline Taylor McKeown - Giám đốc Chương trình Vùng Mekong-Oxfam của Australia, đã chia sẻ riêng với Báo TG&VN khi tham dự buổi triển lãm ảnh của nhà nhiếp ảnh Phạm Hoài Thanh tại Nhà Triển lãm, 29 Hàng Bài, Hà Nội ngày 21/11 vừa qua.
50 bức ảnh (trong tổng số 91 chiếc ảnh, một số bức ảnh là chùm ảnh) được trưng bày dưới đất, trên những tấm phên nứa xen kẽ ánh nến lung linh, minh họa cho 6 bức áp phích lớn mang 6 thông điệp sâu sắc: Dòng sông kín- Những dòng sông đã chật kín các bậc thang thủy điện; Nhà trống- Nhà và đất canh tác tái định cư chưa phù hợp với văn hóa, tập quán, nhu cầu sinh hoạt của người dân; Cơ chế dày nhưng vẫn trống- Cơ chế chưa chặt chẽ dẫn đến sự tham gia chưa đầy đủ của các bên liên quan trong quá trình ra quyết định; Công việc trống- còn thiếu các giải pháp phục hồi, chuyển đổi sinh kế cho người dân tái định cư; Đập thủy điện trống- Những con đập xây dựng không đúng quy trình và thiết kế, không đảm bảo kỹ thuật và cuối cùng là Rừng trống- Những khoảng rừng bị mất do thủy điện, chưa được trồng thay thế và chưa có kế hoạch thay thế.
Người xem ảnh thấy một góc nhìn, rất riêng của tác giả. Các bức ảnh không thuộc hàng “ đao to búa lớn” mà lại dung dị đời thường. Một bức ảnh đẹp chụp đập thủy điện, nhưng làm cho người xem thấy sao cái đập cứ dài mãi, sẽ chặn hết sông và làm người xem như cảm thấy dòng sông như bị vỡ ra, cắt vụn thành khúc, đúng như thông điệp của Tác giả: “Dòng sông kín”. Hay nội dung thiếu nước, tác giả lại chụp bức ảnh cô gái đang rửa tay và đằng sau là câu chuyện của 6 tháng mùa khô trong năm không có nước. Mùa mưa đến cô gái có được nguồn nước quý giá để dùng…
Một góc triển lãm.
Tác giả Hoài Thanh bộc bạch rằng, trưng bày ảnh ở dưới đất để mong người xem ảnh, một lần nhìn xuống để cảm thông, chia sẻ cuộc sống của người dân tỉnh Kon Tum nói riêng và những người dân nói chung bị ảnh hưởng do những dự án thủy điện không đúng trên cả nước. Thực trạng có những dự án thủy điện không theo quy hoạch, xây dựng không đúng thiết kế, vận hành không đúng quy trình. Việc tái định cư cuộc sống cho người dân không tính toán kỹ, thường cứng nhắc, áp đặt từ bên ngoài; không tính đến sự phát triển và đời sống tinh thần. Cần hài hòa trong phát triển năng lượng với nguồn nước và đời sống người dân để tạo được môi trường phát triển bền vững, đó cũng chính là nội dung của cuộc triển lãm này “Nước- Năng lượng- Cuộc sống” của Phạm Hoài Thanh.
Triễn lãm ảnh sẽ kéo dài đến ngày 25/11/2013.
Theo TG&VN