>> Chặn cát lậu, giá cát tăng phi mã
>> Giá cát xây dựng đã tăng gấp đôi
>> Khốc liệt cuộc chiến cát toàn cầu
>> Giá cát tăng: Cần sớm có giải pháp phù hợp, tránh tác động xấu
Cung hạn chế, cầu tăng, giá cát lên đỉnh điểm
Trong thời gian gần đây, giá
cát xây dựng trên cả nước đã có những biến động tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xây dựng của các nhà thầu cũng như các nhà thầu sản xuất
vật liệu xây dựng. Tại địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đông Hưng cho biết, giá cát xây dựng trong khoảng 3 tháng nay đã tăng nhanh, ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà thầu thi công. Theo ông Long, hiện giá cát vàng ở mức 580.000 đồng/m3, cao hơn khoảng 200.000 đồng/m3 so với thời điểm cách đây 3 - 4 tháng khi chưa có chỉ đạo của Chính phủ siết chặt quản lý khai thác cát.
Giá cát tăng cao như vậy, nhưng nhà thầu phải “cắn răng” chấp nhận tiếp tục thi công các gói thầu/dự án đã ký kết hợp đồng.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Trưởng phòng Kinh tế thị trường, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội cho biết, dù giá cát tăng không ảnh hưởng nhiều đến các nhà thầu lớn nhưng thực tế đã có những tác động đến các công trình xây dựng nhỏ, công trình dân dụng. Đặc biệt, theo ông Toàn, tại những gói thầu ký kết theo hình thức hợp đồng trọn gói thì nhà thầu thi công sẽ là người phải gánh chịu chi phí khi giá cát lên cao. Vì thế, phần lợi nhuận mà doanh nghiệp (DN) thu được cũng sẽ bị giảm đi khá nhiều, thậm chí lỗ.
Lo lắng trước tình hình giá cát vẫn tiếp tục tăng, ông Vũ Đức Quyển, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn công nghệ
gạch không nung Việt Nam chia sẻ, sản phẩm gạch không nung của DN sử dụng tới 30 - 40% là cát. Giá cát đen phục vụ cho sản xuất gạch của Công ty đang tăng khoảng 20% so với trước đây, trong khi đó giá bán gạch không tăng, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tương đối đến hoạt động sản xuất của DN cũng như thu nhập của người lao động.
Không chỉ tăng giá bán ở khu vực phía Bắc – nơi có nguồn cung khá dồi dào mà dường như càng tiến vào khu vực phía Nam thì giá cát xây dựng càng nóng lên. Một nhà thầu xây dựng tại tỉnh Tây Ninh cho hay, trên địa bàn Tỉnh hiện nay giá cát đang tăng cao. Cát dùng cho xây dựng bán tại bãi cũng có giá hơn 550.000 đồng/m3, nếu tính cả chi phí vận chuyển đến chân công trình thì cao hơn nhiều. “Mức giá hiện tại cao gấp 3 - 4 lần so với mức giá của mấy tháng trước khi giá cát chỉ ở mức 120.000 đồng - 150.000 đồng/m3”, nhà thầu này nói. Cũng theo nhà thầu này, giá cát xây dựng ở TP.HCM còn cao hơn Tây Ninh rất nhiều. Ghi nhận tại thị trường vật liệu xây dựng TP.HCM cũng cho thấy, giá cát vàng phục vụ xây dựng ở đây hiện lên tới con số 700.000 đồng/m3, giá cát đen hay đá, sỏi phục vụ xây dựng cũng tăng.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet
Cần mở ra cánh cửa mới
Trong bối cảnh nguồn cung cát xây dựng khan hiếm như hiện nay, một số nhà thầu cho biết, họ có rất ít cơ hội để lựa chọn cát trên cơ sở chất lượng (cát tốt, cát xấu) và giá cả để thi công công trình. Chính vì vậy, để đảm bảo tiến độ công trình đã ký kết, hiện một số nhà thầu phải mua cả cát xấu để thi công công trình.
Đề cập về câu chuyện này, các chuyên gia xây dựng cho rằng, nếu công trình xây dựng không được sử dụng cát chất lượng có thể ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công trình. “Thiết kế một kết cấu
bê tông thì nhà thiết kế phải có sự tính toán rất kỹ lưỡng lượng cát, lượng nước,
xi măng… để đảm bảo chất lượng. Thế nhưng, trong bối cảnh nguồn cung thiếu, nhà thầu rơi vào tình thế buộc phải mua cả cát xấu để xây dựng, chắc chắn chất lượng công trình sẽ khó được bảo đảm”, một chuyên gia xây dựng nhấn mạnh.
Nhằm gỡ khó cho nhà thầu khi giá cát xây dựng tăng cao, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng, để bình ổn giá cát xây dựng và cát san lấp, cần thiết phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, quản chặt và xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng cơ hội để làm giá, ảnh hưởng đến thị trường.
Bên cạnh đó, từ góc độ nhà thầu, ông Long kiến nghị, Chính phủ nên có những chính sách phù hợp để hỗ trợ các nhà thầu xây dựng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đặc biệt, giá vật liệu xây dựng tại các thông báo của các cơ quan có thẩm quyền cần sát với giá thị trường, tránh hiện tượng chênh lệch lớn, thậm chí không đúng thực tế như hiện nay để đảm bảo cho hoạt động thanh toán xây dựng một cách thuận lợi.
Trong khi đó, một mặt đồng ý với chỉ đạo của Chính phủ trong việc chấn chỉnh hoạt động quản lý khai thác cát, ông Quyển đề xuất, trong giai đoạn này, Chính phủ nên mở ra một hướng khác trong việc bổ sung nguồn cung thay thế cát tự nhiên khi nguồn cung này không còn dồi dào. Chẳng hạn như muốn thúc đẩy sản xuất cát nhân tạo, Chính phủ cần có chính sách rõ ràng trong việc định hướng sử dụng cát nhân tạo, đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với sản phẩm này cũng như có các chương trình hỗ trợ DN phát triển sản xuất như: vốn, đất đai, kỹ thuật…
Theo Đấu thầu