>> Tìm nguồn vật liệu xây dựng mới thay thế cát tự nhiên
>> Cạn kiệt cát xây dựng, các nước dùng cát nhân tạo
>> Giải pháp khai thác, sử dụng tài nguyên cát (video)
Nhiều đặc tính nổi trội
Ở nước ta, đặc biệt là Quảng Ninh, nguyên liệu sản xuất
cát nhân tạo rất dồi dào (đó là các bãi đá thải của ngành than); nếu được “hô biến” thành cát nhân tạo thì vừa đem lại giá trị lớn về kinh tế, giải quyết vấn đề môi trường bãi thải, vừa đáp ứng được nhu cầu cấp bách về cát cho ngành xây dựng. Mặt khác, do tính chất đặc biệt: cát nhân tạo không lẫn tạp chất, hạt cát đồng đều hơn cát tự nhiên, có thể điều chỉnh mô dun và tỷ lệ thành phần hạt cho các loại
bê tông khác nhau, nên cho phép tiết kiệm vật liệu phối trộn (
xi măng, nhựa đường) và rút ngắn thời gian thi công, tăng tuổi thọ công trình. Do tận dụng được nguồn nguyên liệu đầu vào nên giá thành cát nhân tạo hạ hơn giá cát tự nhiên cùng loại (khai thác hợp pháp) khoảng 18%.
Đã có một số
doanh nghiệp đầu tư về lĩnh vực này, đi đầu là Công ty Thiên Nam đầu tư trên 283 tỷ đồng lắp đặt 2 dây chuyền công suất 1,9 triệu m3/năm, sử dụng nguyên liệu đá thải của bãi thải Đông Cao Sơn. Sản phẩm của Thiên Nam đã được Viện Vật liệu (Bộ Xây dựng) giám định chất lượng đạt quy chuẩn 16 TCVN 9025-2012.
Cát nhân tạo có nhiều tính ưu việt nhưng người dân vẫn ít dùng.
Tiêu thụ vẫn kém, đâu là nguyên nhân?
Không thể phủ nhận tính ưu việt của cát nhân tạo, đáng buồn là trên thực tế, việc tiêu thụ loại nguyên liệu tiện ích này lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Thống kê cho thấy, các doanh nghiệp dù đã rất cố gắng tiếp thị, giới thiệu sản phẩm…, nhưng mức tiêu thụ vẫn không vượt quá 10% sản lượng sản xuất ra.
Có ba nguyên nhân chính được các doanh nghiệp và chuyên gia ngành xây dựng chỉ ra đó là: do tình hình khai thác
cát tự nhiên trái phép vẫn chưa được xử lý triệt để, tình trạng cát kém chất lượng, cát không rõ nguồn gốc vẫn buôn bán tràn lan phá giá thị trường, cát nhân tạo bị ép giá khó tiêu thụ và mở rộng thị trường. Do tập quán và thói quen dùng cát tự nhiên trong xây dựng của người dân. Và, do chưa có những chế tài đủ mạnh bắt buộc dùng vật liệu xây dựng có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng và bảo hành công trình sau xây dựng…
Giải pháp cho thị phần cát nhân tạo
Cát nhân tạo là sản phẩm mới, việc sử dụng nó mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội đặc biệt là giải quyết môi trường, các ban ngành và chính quyền địa phương cần hỗ trợ về mặt pháp lý, chuẩn hóa các văn bản liên quan; lồng ghép truyền thông trên mọi phương diện để người dân hiểu biết đầy đủ, quan tâm chất lượng công trình, từ bỏ thói quen dùng cát trôi nổi, kém chất lượng, tiếp tay cho cát tặc, tàn phá môi trường… Đã đến lúc cần xem xét quy định các dự án vốn ngân sách Nhà nước phải sử dụng 100% cát nghiền nhân tạo; các dự án trọng điểm khác sử dụng từ 50% trở lên. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra chất lượng và nguồn gốc vật liệu đầu vào của các cơ sở sản xuất bê tông thương phẩm. Rà soát, quy hoạch các bến, cảng tập kết vật liệu xây dựng để kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn tận gốc vật liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng (đặc biệt là cát).
Về phía các chủ đầu tư công trình và người dân cần nâng cao nhận thức, tự bảo vệ chính mình trước những rủi ro về pháp lý khi sử dụng bê tông thương phẩm. Cụ thể là trước khi mua sản phẩm, phải làm hợp đồng với những điều khoản rất cụ thể, chặt chẽ, đặc biệt là điều khoản quy định sau 28 ngày sử dụng bê tông thương phẩm, chủ đầu tư cần mời văn phòng Thừa phát lại (tư vấn về pháp lý) và tư vấn độc lập (như Viện Quy hoạch xây dựng, Viện Vật liệu xây dựng) giúp tư vấn về kỹ thuật, lập vi bằng, khoan lấy mẫu để giám định chất lượng bê tông, nếu không đảm bảo chất lượng, nhà cung cấp bê tông thương phẩm phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Thực hiện tốt điều này là tự bảo vệ cho chính công trình của mình và góp phần đẩy lùi nạn khai thác trái phép và tiêu thụ vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng đang diễn ra khá phổ biến ở nước ta.
Theo Công luận