Quý đầu tiên của năm 2022 là thời điểm khó khăn đối với ngành sản xuất thép trên toàn cầu. Tổng sản lượng thép thô toàn cầu trong giai đoạn này đạt 456,6 triệu tấn, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2021, theo số liệu từ Hiệp hội Thép Thế giới (World Steel).
Tại châu Âu, giá thép đang giảm dần sau khi lập đỉnh trong tháng 4 vừa qua. Những ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm thiếu hụt nguồn cung tại thị trường này. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất thép có xu hướng tăng ở châu Âu do giá năng lượng tăng cao. Giá mặt hàng thép cuộn cán nóng HRC tại châu Âu từ đầu tháng 3 đến đầu tháng 4 tăng vọt từ 1.068 USD/tấn lên 1.584 USD/tấn.
Từ giữa tháng 4 đến nay, giá thép cuộn cán nóng HRC liên tục giảm, hiện đang ở mức 1.300 USD/tấn. Đối với các hợp đồng giao sau, giá mặt hàng này hiện chốt quanh mức 1.000 USD/tấn giao sau 2 tháng và 960 - 970 USD/tấn giao sau 3 tháng.
Giá thép sẽ phục hồi vào nửa cuối năm nhờ thị trường Trung Quốc.
Với các yếu tố như giá năng lượng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thép dùng trong sản xuất ô tô và đồ điện gia dụng. Hiệp hội thép châu Âu gần đây đã đưa ra dự báo tiêu thụ thép của khu vực có thể giảm 1,9% trong năm nay thay vì tăng 3,2% như dự báo đưa ra trong tháng 2 vừa qua.
Tuy nhiên, theo đánh giá của VDSC, việc Trung Quốc mở cửa kinh tế trở lại có thể là chất xúc tác cho giá thép phục hồi. Hiện Trung Quốc đã cho phép mở cửa kinh tế trở lại kết hợp với các chính sách đẩy mạnh đầu tư cho tăng trưởng của nước này trong nửa cuối năm có thể giúp giá thép cũng như giá các nguyên liệu sản xuất thép sớm phục hồi trên toàn cầu.
Mặt khác, VDSC cũng kỳ vọng giá thép trong nước giảm sẽ khuyến khích nhu cầu trở lại sau khoảng thời gian trầm lắng từ đầu tháng 4 đến nay.
Cụ thể, sau đà tăng liên tiếp từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng trong nước đồng loạt giảm 300.000 - 920.000 đồng/tấn từ giữa tháng 5. Hiện mặt bằng giá thép giảm về mức trên dưới 18 triệu đồng mỗi tấn, tùy loại và thương hiệu.
Lý giải nguyên nhân thép hạ nhiệt, Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng giá phôi thép và nguyên liệu đầu vào trên các sàn giao dịch quốc tế xu hướng đi xuống là yếu tố trực tiếp tác động đến giá thép trong nước. Tuy nhiên, hiện nguồn nguyên liệu trong nước mới đáp ứng từ 20 - 30% nhu cầu sản xuất, còn lại vẫn phụ thuộc nhập khẩu. Do đó, giá thép tại Việt Nam gần như phụ thuộc hoàn toàn vào giá nguyên liệu thế giới.
VLXD.org (TH)
Ý kiến của bạn