Vẫn còn tồn kho cao
Tiêu thụ xi măng nội địa 2 tháng đầu năm 2016 tăng gần 10%, lượng xi măng xuất khẩu (XK) cũng duy trì ở mức khá. Dự kiến trong năm 2016, nhu cầu tiêu thụ xi măng tăng mạnh, tình trạng mất cân đối cung - cầu ngành xi măng sẽ dần được thu hẹp.
Theo ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) - 2 tháng đầu năm, tổng lượng xi măng bán ra đạt gần 9,5 triệu tấn. Trong đó, xi măng tiêu thụ trong nước đạt khoảng 7,3 triệu tấn, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2015; lượng xi măng XK 2 tháng cũng đạt 2,2 triệu tấn, gần tương đương với cùng kỳ.
Cũng theo ông Tới, tồn kho của ngành xi măng trong tháng 2/2016 khoảng 3 triệu tấn và đây là mức tồn kho tương đương 15- 16 ngày sản xuất. Trong đó, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) có lượng tồn kho chiếm 64% tổng lượng tồn kho toàn ngành với gần 2 triệu tấn cả clinker và xi măng.
Riêng đối với XK xi măng, so với năm 2014 - năm “đỉnh cao” về XK, đạt hơn 21 triệu tấn, thu gần 900 triệu USD, năm 2015, XK đã giảm gần 20%, chỉ đạt 16,25 triệu tấn và năm nay dự kiến tiếp tục giảm. Thị trường Trung Quốc sau thời gian phát triển nóng đã dư thừa công suất khoảng 670 triệu tấn xi măng, do vậy, sức ép cạnh tranh rất lớn.
Với mức tiêu thụ trong nước năm 2016 dự kiến tăng 4%, lượng xi măng dư thừa khoảng 25 triệu tấn sẽ không dễ tiêu thụ thông qua con đường XK. Nếu không XK được, nhiều doanh nghiệp (DN) sẽ phải giãn, hoãn, thậm chí dừng sản xuất.
Doanh nghiệp xi măng được dự báo gặp không ít khó khăn trong năm nay
Khơi thông thị trường
Ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam - cho rằng, thời điểm này, gánh nặng về mất cân đối cung - cầu và tồn kho xi măng luôn hiện hữu. Nhiều DN phải cạnh tranh khốc liệt với nhau và ngành xi măng cần được “tái cơ cấu” theo khuynh hướng sáp nhập DN. “Không ít DN xi măng đã được sáp nhập vào Vicem để tăng sức cạnh tranh như: Xi măng Hạ Long, Sông Đà, Sông Thao… và gần đây nhất là sự sáp nhập của hai nhà sản xuất xi măng khu vực phía Nam là Holcim và Lafarge”- ông Nguyễn Quang Cung thông tin.
Để khơi thông thị trường, tránh áp lực của hàng tồn kho, song song với giải pháp về công nghệ, giải pháp bán hàng cũng quan trọng không kém. Đơn cử như Vicem yêu cầu các đơn vị thành viên quan tâm và sử dụng nguồn lực tối ưu nhằm bảo đảm cải thiện hệ thống nhà phân phối, tạo sự gắn kết và tăng sức cạnh tranh trên thị trường; rà soát chính sách bán hàng, nhất là chiết khấu và khuyến mại theo từng chủng loại sản phẩm và thời điểm, đồng thời phối hợp, hoàn thiện hệ thống nhà phân phối và mở rộng tìm kiếm khách hàng lớn cho thị trường XK.
Ông Lê Thành Long - Tổng giám đốc Vicem Hoàng Thạch - cho biết: Công ty đã và đang tập trung chuẩn hóa cấu trúc thương hiệu, xây dựng chiến lược định vị thương hiệu phù hợp; hoàn thiện tổ chức hệ thống nhà phân phối chính, phát triển hệ thống cửa hàng đạt chuẩn, tổ chức lực lượng bán hàng chuyên nghiệp hơn; giữ vững thị phần tại địa bàn cốt lõi, tiếp cận và mở rộng sang các địa bàn mới...
Theo Báo Công Thương