Đáng chú ý, trong khi tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa 9 tháng qua vẫn duy trì sản lượng tương đương so với cùng kỳ năm 2020, đạt khoảng 45,58 triệu tấn, thì xuất khẩu xi măng đạt khoảng 31,89 triệu tấn và tăng tới 19%. Trong đó, riêng Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) xuất khẩu khoảng 14,45 triệu tấn.
Tồn kho cả nước trong 9 tháng còn khoảng 3,60 triệu tấn, tương đương từ 15 đến 20 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker.
Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Theo các chuyên gia kinh tế, đón nhận những thông tin tích cực, kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế và biện pháp đẩy nhanh vốn đầu tư công, các nhóm ngành được dự báo có thể sớm phục hồi là xây dựng, bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng. Điều đó có nghĩa là khi đầu tư xây dựng tăng, đầu tư công tăng, tiêu thụ xi măng sẽ tăng.
Trong quý IV/2021 và những năm tiếp theo, ngành xi măng được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Thị trường cổ phiếu xi măng vừa bật tăng nhanh khi đón nhận các thông tin tích cực từ thị trường, được nhiều nhà đầu tư săn lùng.
Trước áp lực ngày càng lớn, các doanh nghiệp ngành xi măng đang tích cực ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất kinh doanh, số hóa chuỗi tiêu thụ và logistics, số hóa quản lý toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển xanh, bền vững.
Vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, với đà phục hồi chung của nền kinh tế và các hoạt động đầu tư xây dựng sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, kế hoạch tiêu thụ từ 104 đến 107 triệu tấn xi măng trong năm 2021 là hoàn toàn khả thi.
VLXD.org (TH/ Chính phủ)