Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

VLXD cơ bản

Xuất, nhập khẩu VLXD: Còn nhiều khó khăn

30/03/2017 - 05:04 CH

Sau một năm có những sự biến động, trong những tháng đầu năm 2017, xuất, nhập khẩu một số mặt hàng vật liệu xây dựng chính như sắt thép, xi măng đã có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều khó khăn cho việc thúc đẩy xuất khẩu và ngăn chặn hàng nhập khẩu giá rẻ ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất trong nước.
Xuất khẩu thép xây dựng tăng cao

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, đối với mặt hàng sắt thép các loại, 2 tháng đầu năm Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 660 tấn, với giá trị xuất khẩu đạt hơn 414 triệu USD. Đáng nói, lượng sắt thép xuất khẩu này đã tăng gần 47% về lượng và tăng gần 75% về giá trị so với năm 2016. Báo cáo của HIệp hội Thép Việt Nam cũng cho thấy, riêng đối với thép xây dựng, trong 2 tháng đầu năm 2017, Việt Nam sản xuất đạt 1.370.724 tấn, và đã tiêu thụ được gần 1,3 triệu tấn, trong đó đáng chú ý là xuất khẩu thép xây dựng trong 2 tháng qua đạt 161 nghìn tấn, tăng 239,33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng Tập đoàn Hòa Phát trong 2 tháng đầu năm 2017 đã xuất khẩu hơn 15.000 tấn thép xây dựng đi các thị trường như Mỹ, Campuchia, Lào và gần 4.800 tấn thép cuộn rút dây chất lượng cao sang Australia, Singapore.

Tuy có những tín hiệu vui song theo nhận định của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong năm 2017, thị trường xuất khẩu thép sẽ tiếp tục gặp khó khăn, bởi Mỹ đang điều tra vụ kiện chống lẩn tránh thuế tại Việt Nam có liên quan đến việc nghi ngờ thép Trung Quốc giá rẻ “đội lốt” hàng Việt để xuất sang Mỹ. Điều này sẽ khiến hàng Việt Nam gặp khó khi xuất khẩu sang thị trường này, đặc biệt là với mặt hàng tôn mạ. Năm ngoái, thị trường Mỹ chiếm tới 27% lượng xuất khẩu của Việt Nam.
 

Nhận định về xuất khẩu trong thời gian tới, đại diện Hiệp hội Thép cho biết, xuất khẩu có tăng  nhưng không đáng kể, ví dụ thép cuộn cán nguội. Chưa kể, hiện nay, nhiều nước nhập khẩu thép đang ngăn chặn thép xuất khẩu từ Việt Nam, đơn cử như vừa qua một số DN sản xuất thép tại Mỹ đã chính thức nộp đơn kiện chống bán phá giá và trợ cấp đối với sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam. Đây cũng là xu hướng chung của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Mỹ, Đài Loan khi họ ngăn chặn thép nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi đó Việt Nam có thể trở thành thị trường trung gian để từ đó thép Trung Quốc lại xuất khẩu trở lại nước họ. Trên thực tế đã có hiện tượng Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc)… chặn thép nhập khẩu từ Trung Quốc thì các mặt hàng tương tự như thế từ Việt Nam lại nhập khẩu vào các quốc gia, vùng lãnh thổ này tăng đột biến, do đó họ nghi ngờ Trung Quốc lợi dụng, lách luật để biến Việt Nam thành trị trường trung gian nhằm lợi dụng C/O từ Việt Nam. Vì thế, họ đã sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để ngăn chặn tình trạng này và nếu Việt Nam không kịp thời ngăn chặn thì thép Trung Quốc sẽ dồn sang Việt Nam. Cũng theo đại diện Hiệp hội Thép, các thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam như Mỹ, Australia, Indonesia, Malaysia, Đài Loan, đều đã lên tiếng cảnh báo và có biện pháp chặn thép xuất khẩu từ Việt Nam nên thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó khăn, trong khi các mặt hàng thép đang tràn vào Việt Nam.

Nhập khẩu thép giảm về lượng, tăng mạnh về trị giá

Ở chiều nhập khẩu, cũng theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu sắt thép các loại đạt 2,7 triệu tấn, trị giá hơn 1,4 tỷ USD. Con số này cho thấy lượng sắt thép nhập khẩu tăng không đáng kể khi chỉ tăng 0,2% so với năm 2016, tuy nhiên, số lượng giảm nhưng về giá trị thì nhập khẩu sắt thép lại tăng tới 49% về trị giá, đồng thời sắt thép các loại chủ yếu vẫn được nhập khẩu từ Trung Quốc với hơn 1,53 triệu tấn.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, xuất phát từ việc thép dài và phôi thép nhập khẩu tăng mạnh trong thời gian gần đây, Bộ Công Thương đã ban hành liên tiếp các biện pháp tự vệ tạm thời để bảo vệ các DN sản xuất trong nước. Sau các biện pháp tự vệ tạm thời, Bộ Công Thương đã áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với hai mặt hàng này từ ngày 22/3/2017 đến 21/3/2018. Các chuyên gia cho rằng, cùng với việc chúng ta vừa áp thuế phòng vệ thương mại tạm thời đối với mặt hàng thép hình, hy vọng biện pháp này sẽ góp phần làm giảm lượng nhập khẩu của các mặt hàng này vào Việt Nam.

Đánh giá về tình hình xuất, nhập khẩu thép, trong đó có thép xây dựng trong thời gian qua, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong năm 2016, Việt Nam nhập khẩu thép thành phẩm với tổng khối lượng nhập khẩu là 17,5 triệu tấn, tăng 25% so với 2015 và trong thời gian tới xu hướng nhập khẩu vẫn tăng. Tuy nhiên, ông Dũng cũng lưu ý, với những sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được mà nhập khẩu tăng thì không đáng lo ngại, song với những sản phẩm Việt Nam đã sản xuất được nhưng nhập khẩu vẫn tăng là điều đáng quan tâm. Ví dụ, sản phẩm thép cuộn cán nguội thời gian qua nhập khẩu tăng 50,3%, thép cuộn và thép thanh tăng 192%, thép hình tăng 39,5%. Cũng trong năm qua, thép hợp kim nhập khẩu vào Việt Nam tăng 14,6% với hơn 8 triệu tấn, tuy nhiên, theo phân tích của Hiệp hội Thép, trong đó có gần 2 triệu tấn thép đội lốt thép hợp kim để được hưởng thuế suất 0% và số thép này được sử dụng trong mục đích xây dựng.


2 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được gần 3 triệu tấn xi măng và clanke.

Xi măng không nên hướng tới xuất khẩu

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 2/2017, xuất khẩu clinker và xi măng đạt gần 1,7 triệu tấn, thu về  hơn 58 triệu USD. So với tháng 1/2017, xi măng xuất khẩu tăng 27% về lượng và tăng 21% về giá trị. Tính chung 2 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được gần 3 triệu tấn xi măng và clinker với tổng giá trị gần 104 triệu USD. Nếu so với năm 2016, số lượng và giá trị xuất khẩu đều tăng, tương ứng với 18,7% và 13,2%.

Đánh giá về xuất khẩu mặt hàng xi măng, ông Trần Văn Huynh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng, năm 2016 xuất khẩu xi măng, clanke sụt giảm so với 2015, chỉ đạt mức gần 15 triệu tấn, nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc cũng đang dư thừa 300 triệu tấn xi măng, giá bán của họ lại thấp hơn nên việc xi măng Việt Nam cạnh tranh về thị trường và cả giá bán với xi măng Trung Quốc đều khó khăn.

Ông Trần Văn Huynh cũng cho rằng, năm 2017 chắc chắn xuất khẩu xi măng, clinker sẽ giảm hơn năm ngoái, do nhiều nước cũng đang dư thừa xi măng trong đó có Trung Quốc. Trước đây chúng ta cũng đã từng xuất khẩu xi măng sang Trung Quốc nhưng hiện nay xi măng Trung Quốc xuất ngược trở lại thị trường Việt Nam.

“Về xu hướng, theo tôi chúng ta nên xác định phát triển ngành xi măng chủ yếu là để phục vụ thị trường trong nước, còn xuất khẩu chỉ là nếu dư thừa, còn chúng ta không nên đặt vấn đề sản xuất xi măng để xuất khẩu”, ông Trần Văn Huynh cho biết. Lý do, theo chuyên gia này, là do việc sản xuất xi măng tiêu thụ tài nguyên rất lớn, xuất khẩu xi măng là xuất khẩu tài nguyên, trong khi tài nguyên thiên nhiên có hạn. Thứ hai, xuất khẩu xi măng cũng là xuất khẩu nhiên liệu, là than, điện, bởi sản xuất xi măng tiêu tốn nhiên liệu lớn, trong khi điện chúng ta đang thiếu và than đang phải nhập khẩu. Nếu đầu tư vào xi măng để xuất khẩu chính là chúng ta đang xuất khẩu nhiên liệu. Ông Huynh cũng nhấn mạnh, ngành công nghiệp xi măng là ngành ảnh hưởng đến môi trường, nếu làm nhiều xi măng thì môi trường sẽ ngày càng kém. Chưa kể, hiện nay giá xuất khẩu cũng giảm nhiều. Trước đây chúng ta có thể xuất khẩu khoảng 50 USD/tấn xi măng thì nay giảm xuống chỉ còn khoảng hơn 40 USD/tấn, còn clanke chỉ còn khoảng 30 USD/tấn, ông Huynh cho biết. Chuyên gia này cho rằng, tới đây Việt Nam không nên cấp phép đầu tư thêm các dự án xi măng, mà nên đầu tư vào chiều sâu, cải thiện môi trường tốt để thu hồi nhiệt phục vụ sản xuất điện, cải tiến công nghệ làm tăng năng suất, giảm tiêu hao nhiên liệu, từ đó xi măng sản xuất có giá thành hợp lý, chất lượng cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.  

Theo Báo Hải quan
 

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng