Không dễ gì mà
VICEM - nhà
sản xuất xi măng số 1 Việt Nam trong một vài năm trở lại đây luôn vượt qua cửa “tử” trong điều kiện thị trường dư nguồn cung. VICEM có 7 công ty sản xuất lớn với gần 20 dây chuyền và trạm nghiền. Năm 2014, Tổng công ty có mức doanh thu 31.591 tỷ đồng và không có công ty nào thua lỗ. Sở hữu trong tay “đội quân” tinh nhuệ về công nghệ, kỹ thuật là điểm khác biệt của VICEM so với nhiều nhà sản xuất
xi măng khác.
Đơn cử như
VICEM Hoàng Thạch được xem là “lò” đào tạo cán bộ kỹ thuật cho
ngành xi măng trong nhiều năm luôn có mức lợi nhuận dẫn đầu trong họ VICEM. VICEM Hải Phòng là một trong số ít đơn vị có mức tiêu hao điện năng thấp nhất trong ngành xi măng. Nhiều năm liền, Xi măng Hải Phòng có mức tiêu thụ điện năng thấp hơn chuẩn quốc tế. VICEM Hà Tiên “án ngữ” phía Nam với hàng loạt giải pháp về tiêu thụ, tài chính cũng như vấn đề định vị thương hiệu đối với các dòng sản phẩm để luôn lớn mạnh cùng
VICEM.
Công nghệ và kỹ thuật cũng giống như “trái tim” của nhà máy xi măng Được mua lại bởi Viettel,
Xi măng Cẩm Phả được hồi sinh mạnh mẽ từ cơ cấu lại tài chính nhưng một phần không thể thiếu trong cơ cấu lợi nhuận của Cẩm Phả lại từ hàng loạt các cải tiến về công nghệ, kỹ thuật.
Ông Hoàng Xuân Vịnh, Tổng giám đốc Xi măng Cẩm Phả cho biết: “Ngày mới về, tôi không hiểu vì sao dây chuyền không thể chạy hết công suất, tìm hiểu, nghiên cứu mãi mới phát hiện ra bộ phận thoát khí nơi ống khói thiết kế hơi nhỏ nên lò chạy thường xuyên có vấn đề. Sau khi phát hiện ra, việc sửa chữa lại chỉ mất khoảng 30 triệu đồng mà cho hiệu quả rất cao”.
Được biết, Xi măng Cẩm Phả không phải là dây chuyền được thiết kế đồng bộ mà một số bộ phận được “lắp ghép” từ nhiều hãng khác nhau nhằm tiết giảm chi phí đầu tư. Nhưng cũng chính từ việc tiết kiệm này, dây chuyền sản xuất đã gặp hàng loạt vấn đề khi đưa vào vận hành. Cũng có thể vì lẽ đó, khi mua lại Xi măng Cẩm Phả, Viettel rất chú trọng về công nghệ, cũng như kỹ thuật với các dự án cải tạo công suất lò nung, chạy vượt công suất thiết kế 5%, cải tạo máng xuất clinker, thêm máng xuất
xi măng rời.
Hiện Xi măng Cẩm Phả đã sản xuất thành công 3 loại xi măng bao gồm: xi măng rời PC50, xi măng xỉ và xi măng bền sunfat. Trong đó, xi măng PC50 (loại xi măng rời theo tiêu chuẩn 52.5N của châu Âu) đã sản xuất từ tháng 11/2014 và được khách hàng nước ngoài ưa thích. Hai loại còn lại sẽ gia nhập thị trường vào quý III/2015. Làm chủ công nghệ và cải tiến kỹ thuật giúp cho các sản phẩm xi măng Cẩm Phả có chất lượng ổn định và ra đời các dòng sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ tiêu thụ khả quan, xi măng Cẩm Phả dự kiến mức lợi nhuận năm 2015 tăng gấp đôi năm 2014 với con số 183 tỷ đồng.
Năm 2008,
Xi măng Hoàng Mai đã thực hiện thành công dự án cải tạo nâng công suất lò nung lên 10%. Mức đầu tư dự kiến 18 tỷ đồng nhưng do biết tính toán, thực chi chỉ hết 13 tỷ đồng, mỗi năm giá trị làm lợi ước tính khoảng 30 tỷ đồng. Chưa kể đến việc thời gian này, Việt Nam đang phải nhập clinker nên việc nâng công suất lò còn giúp Nhà máy chủ động trong sản xuất. Tại thời điểm đó, Hoàng Mai là nhà máy đầu tiên của VICEM và thứ 2 trên cả nước (sau Xi măng Chinfon) thực hiện cải tạo nâng công suất lò. Ông Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc xi măng Hoàng Mai lúc đó có xuất phát điểm là kỹ sư chế tạo máy.
Khi thị trường tiêu thụ xi măng bớt khó khăn, làm chủ công nghệ và kỹ thuật được nhiều nhà sản xuất chú trọng. Là người “trong nghề” hơn ai hết họ hiểu được công nghệ và kỹ thuật cũng giống như “trái tim” của nhà máy. Cũng có thể vì lẽ đó, trong thời gian gần đây, các CEO DN ngành xi măng mới được bổ nhiệm đều xuất phát từ “dân” kỹ thuật. Có thể kể đến những cái tên như ông Hoàng Cảnh Nguyễn - Tổng giám đốc Xi măng FICO, ông Lê Thành Long - Tổng giám đốc VICEM Hoàng Thạch, ông Hoàng Xuân Vịnh - Tổng giám đốc Xi măng Cẩm Phả.
Theo ĐTCK