So với giai đoạn từ 2011 đến 2013, năm 2014 đã ghi nhận những kết quả tích cực trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của các doanh nghiệp ngành xây dựng. Hầu hết các lĩnh vực đều duy trì ổn định doanh thu, tăng trưởng lợi nhuận. Thậm chí, một số đơn vị thực hiện vượt mức khá cao so với chỉ tiêu kế hoạch. Xây lắp vẫn giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động toàn ngành, chiếm tỷ lệ 37% tổng giá trị sản xuất kinh doanh. Các công trình trọng điểm như: thủy điện Lai Châu, nhà Quốc hội, nhiệt điện Vũng Áng, lọc dầu Nghi Sơn... đều do những đơn vị lớn của ngành thực hiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Trong lĩnh vực bất động sản, nhiều dự án mở bán trở lại sau khi cơ cấu lại công năng, diện tích, thu hút khách hàng là người có nhu cầu ở thực; số lượng căn hộ bán được khá cao với dòng nhà ở xã hội, nhà thương mại có mức giá phù hợp. Đáng kể như: Đặng Xá (Gia Lâm) của Viglacera, Việt Hưng (Long Biên), Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai) của HUD. Trong lĩnh vực vật liệu, những sản phẩm chủ đạo như kính, gạch ốp lát cao cấp, xi măng có mức tăng trưởng khá. Trong khi những mặt hàng khác giảm mạnh lượng hàng tồn nhờ tiêu thụ tốt hơn trước.
Tuy nhiên, ấn tượng hơn cả là lĩnh vực đầu tư phát triển. Nếu những năm trước nhiều dự án đình trệ do thiếu vốn thì năm 2014 tổng mức đầu tư thực hiện đã vượt chỉ tiêu kế hoạch và bằng 144% so với năm trước. Dẫn đầu là nhà ở, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội với 206 dự án, số vốn thực hiện hơn 10.000 tỷ đồng so với kế hoạch vốn hơn 9.700 tỷ đồng; các khu công nghiệp, chế xuất, khu công nghệ cao, sản xuất công nghiệp, vật liệu... có kế hoạch vốn đầu tư 1.955 tỷ đồng nhưng thực hiện đạt hơn 2.469 tỷ đồng. Thực tế, những doanh nghiệp xây lắp công nghiệp, chế tạo, sản xuất - kinh doanh vật liệu đều đạt được sự ổn định hơn sau khi thực hiện đề án tái cơ cấu và áp dụng mô hình quản trị tiên tiến.
Ngay trong quý I-2015, Tổng Công ty LICOGI thực hiện IPO, trong khi 4 tổng công ty khác là FICO, CC1, Cơ khí xây dựng (COMA) và Lắp máy Việt Nam (LILAMA) được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, phần lớn các DNNN trong ngành đã thực hiện CPH đúng tiến độ được phê duyệt và tích cực triển khai tái cơ cấu toàn diện, từng bước lành mạnh tình hình tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ. Sau 4 tổng công ty đã hoàn thành CPH trong năm 2014 là Viglacera, Viwaseen, Xây dựng Hà Nội và Xây dựng Bạch Đằng; 19 đơn vị khác đang CPH, gồm có 9 công ty mẹ và 10 công ty con. Trong 9 công ty mẹ, đã có 4 đơn vị hoàn thành thẩm định giá trị doanh nghiệp là FICO, CC1, COMA, LILAMA; 2 đơn vị đang xác định giá trị doanh nghiệp là các tổng công ty: Sông Đà, Công nghiệp xi măng Việt Nam; 3 đơn vị đang xử lý tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp là HUD, IDICO và VNCC.
Trong khi đó, các tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng đã thoái vốn tại 54 danh mục, với giá trị hơn 2.376 tỷ đồng, xấp xỉ 50% kế hoạch thoái vốn theo đề án tái cơ cấu. Tuy nhiên, nếu tính riêng từng danh mục thì có tới 36 danh mục đã hoàn tất thoái vốn với tổng giá trị thoái vốn hơn 1.027 tỷ đồng. 18 danh mục đang tiếp tục thực hiện có tổng giá trị 1.349 tỷ đồng. Ngoài việc thoái vốn khỏi lĩnh vực ngoài ngành, phần lớn các công ty mẹ đã hoàn thành tái cơ cấu bộ máy tổ chức, phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động, ban hành quy chế tài chính, quy chế quản lý nợ, quy chế hoạt động của người đại diện theo ủy quyền... áp dụng quy trình quản lý tiên tiến quản trị rủi ro, chiến lược, nhân sự, thương hiệu.
Theo Hànộimới