Câu chuyện giảm giá đang lặp lại trong hai năm qua, nhưng lãi lỗ không phải là xu hướng chung mà hoàn toàn khác biệt ở mỗi doanh nghiệp. Nhìn vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đầu ngành sẽ thấy rõ điều này.
Từ mức giá gần 50.000 đồng/CP, cổ phiếu của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã giảm xuống còn 33.500 đồng/CP trong mấy tháng qua, mà lý do cơ bản là giá thép cán nóng HRC giảm từ cuối năm 2014 từ khoảng 500 USD/tấn xuống 400 USD/tấn và đang chững lại. Giá này bằng mức giá đáy của giai đoạn khủng hoảng, nhưng khác biệt là giá thép giảm từ từ. Còn năm 2008, giá giảm từ mức đỉnh 1.100 USD/tấn xuống 400 USD/tấn chỉ trong vòng 3 tháng kể từ khi bắt đầu khủng hoảng kinh tế.
Nhiều nhà đầu tư lo ngại, giá nguyên liệu giảm, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp tôn thép sẽ suy giảm. Nhưng thực tế, tỷ suất lợi nhuận gộp của HSG không thay đổi so với cùng kỳ. Theo ông Vũ Văn Thanh, Phó tổng giám đốc HSG, giá nguyên liệu giảm thì tất yếu giá bán phải giảm, nhưng doanh nghiệp tính được mức lợi nhuận. Mặt khác, HSG áp dụng chế độ tồn kho thấp, chỉ tương đương khoảng 1,5 đến 2 tháng doanh thu. Tồn kho cuối năm 2014 chỉ 3.300 tỷ đồng, doanh thu khoảng hơn 1.500 tỷ đồng/tháng.
Công ty có quy mô nhỏ hơn là Đại Thiên Lộc (DTL) tuy không có lãi nhiều, nhưng vẫn duy trì được tỷ suất lợi nhuận trên mỗi mét sản phẩm bán ra. Lý do, theo ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT DTL là, đang vào mùa nóng, nhu cầu tiêu thụ tôn thép trong nước khá tốt nên áp lực giảm giá bán không quá khắc nghiệt. Nếu có lỗ thì các công ty thương mại lỗ, chứ các nhà sản xuất vẫn có lãi khi chênh lệch giữa giá nhập khẩu thép cán nóng và giá bán tôn là “mấy nghìn đồng/tấn”. Hàng tôn lạnh và mạ kẽm tiêu thụ tốt nhờ thuế nhập khẩu chặn hàng Trung Quốc trong khi tôn màu gặp khó khăn do thuế nhập khẩu bằng 0.
Nếu như trong ngành tôn thép không thấy tiếng kêu than vì thua lỗ của các doanh nghiệp thì câu chuyện trong ngành thép xây dựng lại rất khác. Thép xây dựng chia làm hai nhóm doanh nghiệp sử dụng công nghệ lò cao sản xuất thép từ quặng và doanh nghiệp sử dụng công nghệ lò điện sản xuất từ thép phế liệu.
Trước đây, khi giá quặng giảm thì giá thép phế liệu cũng giảm ở mức khá tương đồng. Nhưng thời điểm này đã khác, giá quặng giảm rất sâu chỉ còn chưa đầy 1/3 mức đỉnh trong khi giá phế liệu chỉ giảm một nửa. Cụ thể, giá quặng hiện đã giảm xuống 54 USD/tấn so với mức khoảng 195 USD/tấn năm 2008, còn giá phế liệu thì từ hơn 500 USD/tấn xuống còn 250 USD.
Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ, giá quặng giảm thấp hơn giai đoạn khủng hoảng kinh tế, nhưng giá thấp không phải điều gì bất thường mà do các nhà sản xuất tăng sản lượng. Đặc biệt, các công ty trên thế giới, nhất là 3 công ty lớn nhất thế giới làm ra quặng sắt với giá rẻ bất ngờ. Có mỏ ở Úc giá thành chỉ 15 USD/tấn chưa tính các loại phí. Giá thành quặng sắt ở các mỏ là khác nhau, tùy điệu kiện khai thác và đặc tính của mỏ. Ví dụ, có mỏ giá thành 90 USD/tấn, nhưng có mỏ chỉ 35 USD/tấn, nên khi giá giảm, có mỏ phải đóng cửa.
“Hòa Phát cũng vậy, chỉ còn vài ba điểm mỏ hoạt động. Trước đây, chúng tôi mua quặng sắt trong nước, nhưng ở mức giá này hầu hết các mỏ đều không có lãi nên HPG chuyển sang nhập khẩu để giám giá thành”, ông Dương cho biết.
Với doanh nghiệp như HPG mặc dù lợi thế từ việc tự khai thác quặng sắt không còn, nhưng một phần lợi thế đó được bù đắp lại khi chuyển sang nhập khẩu quặng giá rẻ trên thị trường thế giới. Giá quặng chiếm đến 35% giá thành thép xây dựng. Mặc dù giá bán đang giảm nhanh hơn chi phí, nhưng HPG vẫn duy trì lợi thế cạnh trạnh về giá trên thị trường.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất thép từ thép phế liệu đang thiệt thòi khi mà giá thép phế liệu giảm ít. Bản thân Hòa Phát có một lò điện đầu tư giai đoạn đầu vẫn đang hoạt động chỉ có lãi chút ít… so với lò cao thì chênh lệch tỷ suất lợi nhuận dao động từ 5- 7%.
“Sản xuất từ phế liệu gần như không có lợi nhuận. So sánh hai loại lò thì một bên lời 8 đồng thì bên kia chỉ lời 1”, ông Dương nói.
Phép so sánh từ 2 nhà máy sản xuất thép của HPG cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất thép lò điện đang gặp sức ép lớn từ thị trường trong nước, khi mà doanh nghiệp sản xuất thép công nghệ lò cao không chỉ có mỗi HPG. Trong bối cảnh thị trường trong nước cung đã lớn hơn cầu thì sức ép cạnh tranh ngành thép xây dựng càng lớn khi phải cạnh tranh với thép xây dựng từ thị trường Trung Quốc.
Giá cổ phiếu POM của CTCP Thép Pomina, thương hiệu đã từng giữ thị phần số 1 đang ở mức chỉ 7.000 đồng/CP đã phản ánh phần nào câu chuyện sàng lọc của doanh nghiệp ngành thép. Khi một đại gia với nhà máy công nghệ hiện đại nhất về lò điện, thương hiệu tốt mà không trụ được khi lỗ liễn tiếp hai năm liền thì số phận các doanh nghiệp nhỏ khác sẽ ra sao?
Theo ĐTCK