Trong hoạt động cải tổ này, tất cả các thương hiệu
xi măng trước đây của Cosevco đã được hợp nhất chất lượng và thương hiệu mang tên Xi măng Sông Gianh thông qua việc điều chỉnh hệ thống kỹ thuật công nghệ từ Tổng công ty trên toàn hệ thống
sản xuất xi măng. Hiện sản phẩm được sản xuất tại Xi măng Sông Gianh, Xi măng Cosevco 19, Cosevco Đà Nẵng, Cosevco Phú Yên đồng thương hiệu Xi măng Sông Gianh và đồng chất lượng.
Không chỉ thống nhất về thương hiệu, mà hệ thống sản xuất cũng được cải tổ. Hiện, toàn bộ hệ thống trạm nghiền trong khu vực của Cosevco được đưa vào gia công 100% thương hiệu Xi măng Sông Gianh. Việc làm này là một mũi tên trúng hai đích: giúp tăng công suất sử dụng của các nhà máy thuộc Cosevco từ 50% trước khi tái cấu trúc tăng lên 105-110% kể từ năm 2013. Việc hợp nhất mang tính nội bộ này giúp Sông Gianh mở rộng thị trường và tự triệt tiêu cạnh tranh thương hiệu trong thị trường khu vực miền Trung.
Ngoài ra, đối với sản xuất
xi măng, việc tính toán cắt giảm chi phí đầu vào, nhưng vẫn tăng hiệu quả sản xuất, thị trường gần như là không tưởng, ấy thế mà Cosevco vẫn làm được. Sản lượng clinker và xi măng năm 2014 đã tăng lần lượt 12,5% và 30% so với năm 2013, trong khi chi phí sản xuất giảm xuống tương ứng còn 6% và 10% trong năm 2014.
Điều đáng nói là, Xi măng Sông Gianh liên tục bứt phá trong việc tăng sản lượng lên tới 1,777 triệu tấn năm 2014, tăng 31% so với năm 2013 và 55% so với năm 2012. Sản lượng clinker cũng đạt đỉnh với 1,394 triệu tấn, tăng 13% so với năm 2013 và 15% so với năm 2012.
Nhà máy đã nâng công suất chạy máy lên tối đa trên tất cả các công đoạn, luôn vượt công suất tối đa ở mức 105 - 110%. Năm 2014, hiệu suất vận hành của Cosevco đã nằm trong tốp những nhà máy cao nhất Việt Nam hiện nay (340/365 ngày trong năm 2014).
Việc tăng sản lượng một cách thần tốc xuất phát từ ba nguyên nhân chính, gồm khả năng tối đa hóa công suất và hiệu suất của các dây chuyền; Sự hợp nhất thương hiệu Xi măng Sông Gianh và khả năng phát triển thị trường để có thể bán hết sản lượng sản xuất.
Với những động thái cải tổ mạnh mẽ nêu trên, chỉ sau 2 năm tái cấu trúc, dòng tiền hoạt động của Cosevco đã thoát khỏi thiếu hụt. Từ mức lỗ thuần trên 282 tỷ đồng năm 2012, đến năm 2014, lần đầu tiên kể từ khi đi vào sản xuất, Xi măng Sông Gianh đã có lãi. Từ chỗ có dòng tiền hoạt động sản xuất - kinh doanh âm trong các năm 2009 và 2010 trước tái cấu trúc, đến năm 2012, dòng tiền thuần từ sản xuất - kinh doanh đã đạt 12 tỷ đồng và liên tục tăng trong các năm tiếp theo, với doanh thu trước thuế đạt trung bình trên 30%.
Theo chuẩn của các nhà máy
xi măng lớn trên thế giới như Holcim, tiêu chí bình quân khu vực, thì sản lượng trên đầu nhân viên là 4.000 tấn, tại Việt Nam nhìn chung các nhà máy đang ở mức 1.200 tấn/đầu người. Xi măng Sông Gianh đã cải tổ đạt tiêu chuẩn 2.700 tấn/đầu người và kỳ vọng đạt 3.500 tấn/đầu người trong năm 2014.
Trong bối cảnh cả ngành này vẫn đang chịu tình trạng không mấy sáng sủa vì cung vượt cầu, kinh doanh bấp bênh, thì kết quả trên đã gây bất ngờ với các DN cùng ngành. Tuy nhiên, so với chuẩn quốc tế, thì Nhà máy Xi măng Sông Gianh còn nhiều việc phải làm để giữ được vị thế sau khi đã được “đại phẫu”.
VLXD.org (Nguồn: Báo Đầu tư)