Hoạt động tài chính của Pomina cũng suy giảm so với cùng kỳ khi doanh thu giảm 72%, xuống 8,9 tỷ đồng, còn chi phí tài chính lại tăng 26% lên 230 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay 227 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh 89% lên 66 tỷ đồng.
Do kinh doanh dưới giá vốn và các loại chi phí tăng cao, Pomina lỗ ròng 350 tỷ đồng trong quý 2/2023, gấp 5,6 lần mức lỗ 62 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Pomina đạt 2.444 tỷ đồng giảm 70% so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh dưới giá vốn khiến Pomina tiếp tục lỗ gộp gần 77 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 359 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính đạt 21 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí tài chính tăng 5% lên 310 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần gấp đôi cùng kỳ lên 137 tỷ đồng. Chi phí tăng cao đè bẹp lợi nhuận của Pomina khiến công ty lỗ ròng lên tới 537 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Tại ĐHĐCĐ thường niên hôm 14/7, Thép Pomina đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu thuần 9,000 tỷ đồng và lỗ sau thuế 150 tỷ đồng. Đến hết quý 2, công ty mới hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu và lỗ sâu hơn gần 400 tỷ đồng so với mục tiêu đề ra.
Kế hoạch kinh doanh được thông qua đã có sự điều chỉnh đi lùi khá nhiều so với mục tiêu đề ra trước đó, (15.000 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 300 tỷ đồng). Việc điều chỉnh này, theo Chủ tịch Pomina Đỗ Duy Thái là do bối cảnh thị trường khó khăn và triển vọng ngành bất động sản sẽ chưa tốt lên trong năm nay.
Nguồn: Báo cáo tài chính, Báo cáo thường niên của doanh nghiệp.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Pomina tại ngày 30/6 giảm nhẹ 2% so với đầu kỳ, xuống 10.817 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm 24% xuống 1.403 tỷ đồng; khoản phải thu ngắn hạn khác đạt 322 tỷ đồng, gấp 80,5 lần con số đầu năm. Trong khi đó, tiền và khoản tương đương tiền của Pomina giảm mạnh xuống 14,5 tỷ đồng, chỉ bằng 7% con số đầu năm.
Pomina cũng ghi nhận 996 tỷ đồng khoản hàng tồn kho, giảm 27% so với đầu kỳ, chiếm phần lớn là 385 tỷ đồng khoản nguyên vật liệu, giảm 4%; 244 tỷ đồng khoản phụ tùng thay thế - vật liệu chịu lửa, giảm nhẹ so với đầu kỳ.
Trong kỳ, Pomina đang có 5.738 tỷ đồng khoản tài sản dở dang dài hạn, trong đó gồm 5.441 tỷ đồng chi phí xây dựng dự án lò cao và lò EAF, bao gồm chi phí mua sắm máy móc, thiết bị và xây dựng dự án lò cao, lò EAF luyện phôi thép công suất 1 triệu tấn/năm tại KCN Phú Mỹ. Công ty cũng phát sinh thêm 297 tỷ đồng là chi phí lò cao - lãi vay, chi phí dự án.
Bên kia bảng cân đối kế toán, tại ngày 30/6, nợ phải trả của công ty tăng nhẹ 4% lên 8.740 tỷ đồng. Khoản phải trả người bán ngắn hạn, đi ngang so với đầu kỳ, đạt 2.011 tỷ đồng. Khoản vay và nợ thuê tài chính đạt 6.267 tỷ đồng, gồm 5.201 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, giảm 5%; và 1.066 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính dài hạn, tăng 44% so với đầu kỳ.
Vốn chủ sở hữu của Pomina giảm 20% so với con số đầu kỳ, xuống 2.078 tỷ đồng, do phải chịu thêm 344 tỷ đồng lỗ lũy kế. Như vậy, hiện vay và nợ thuê tài chính của Pomina đang gấp hơn 3 lần vốn chủ sở hữu.
Tình trạng thiếu vốn của công ty cũng được HĐQT Pomina đề cập tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua. Hiện Pomina đang tìm cách huy động vốn và tái cấu trúc doanh nghiệp. Cũng vì vậy, Pomina đã thực hiện kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược.
Theo đó, Pomina đã phát hành đơn lẻ hơn 70 triệu cổ phiếu, với giá 10.000 đồng/cp, cho nhà đầu tư chiến lược là hãng thép Nhật Bản Nansei Steel.
Hai bên đã thống nhất chia quá trình phát hành số cổ phiếu này làm 2 đợt. Đợt 1 diễn ra vào tháng 8/2023 với 10,6 triệu cổ phiếu sẽ được phát hành. 59,6 triệu cổ phiếu còn lại sẽ phát hành trong đợt 2, dự kiến diễn ra vào tháng 9/2024. Dự kiến, sau khi hoàn tất, vốn điều lệ mới của Pomina sẽ tăng lên hơn 3.498,5 tỷ đồng.
VLXD.org (TH)