Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh do kỹ sư Trần Hoàng Bá, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang làm chủ nhiệm. Giải pháp hiện đang được Ban Quản lý các dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Cái Bè áp dụng xử lý sạt lở bờ sông ở 2 xã Hậu Mỹ Bắc A và Đông Hòa Hiệp mang lại hiệu quả thiết thực.
Đây cũng chính là giải pháp bảo vệ bờ bằng công nghệ mềm, có kết cấu thân thiện với môi trường.
Trồng cỏ trên mái bao cát sinh thái
Kết cấu chính của giải pháp bảo vệ bờ bằng công nghệ mềm đề xuất ứng dụng cho vùng nghiên cứu bao gồm: (i) bảo vệ phần lòng kênh bằng thảm cát; (ii) phục hồi và bảo vệ mái bờ bằng các bao cát sinh thái; (iii) thảm đá (không bắt buộc, tùy điều kiện xây dựng để quyết định) bố trí tại chân bờ nhằm tạo hành lang đi lại, tăng mỹ quan công trình.
Thảm cát được thiết kế là 2 lớp vải địa kỹ thuật được may lại tạo thành “thảm” gồm các “ống” để bơm cát vào. Nếu kích thước các ống cát đủ chịu vận tốc dòng chảy thì toàn bộ “thảm” cát sẽ ổn định và trở thành “áo” bảo vệ mái và lòng kênh không bị bào mòn bởi dòng chảy. Các mẫu thảm được thiết kế có đường kính thay đổi D=20, 25, 30cm. Thảm được thiết kế gồm 2 loại: Ống cát hình bán nguyệt và ống cát hình tròn.
Bao cát sinh thái đựng các loại vật liệu rời (hạt cát) bên trong và trồng cỏ bảo vệ bên ngoài. Theo quan điểm của ngành địa kỹ thuật, các hạt vật liệu rời được coi như một đơn nguyên của khối vật liệu nhưng chưa được gắn kết lại. Nước chảy dễ kéo rê các hạt vật liệu này nhưng khó di chuyển được khối lớn khi đã được gắn kết.
Với diễn biến sạt lở bờ sông, kênh rạch như hiện nay, nếu ứng dụng các giải pháp bảo vệ bờ truyền thống đòi hỏi chi phí rất cao dẫn đến khó đáp ứng. Giải pháp bảo vệ bờ bằng công nghệ mềm có ý nghĩa thực tiễn rất lớn, giúp cho công tác bảo vệ bờ hiệu quả hơn (người dân có thể tự đầu tư xây dựng).
VLXD.org (TH/Nông nghiệp)
Ý kiến của bạn