Sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH Hoà Phát, thành phố Nam Định.
Để có được kết quả đó, với mục tiêu phát triển sản xuất VLXKN, Sở Xây dựng đã chủ động tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 phù hợp với tình hình phát triển thực tế để thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng đề xuất UBND tỉnh cho phép điều chỉnh quy hoạch cục bộ một số điểm sản xuất GKN trên địa bàn tỉnh như: điều chỉnh bổ sung quy hoạch điểm sản xuất GKN tại xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) và Công ty Cổ phần An Đồng, thị trấn Ngô Đồng (Giao Thuỷ); điều chỉnh cục bộ điểm quy hoạch phát triển sản xuất GKN từ xã Trực Chính sang xã Trực Thanh (Trực Ninh) vào Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền khuyến khích người dân sử dụng GKN, yêu cầu đưa GKN vào thiết kế công trình theo đúng quy định tại Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng. Qua gần 9 năm triển khai thực hiện Thông tư 09, GKN đã dần được sử dụng trong hầu hết các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh và từng bước được sử dụng trong các công trình xây dựng dân dụng.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, qua hơn 10 năm thực hiện chương trình phát triển VLXKN theo Quyết định số 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mỗi năm, các doanh nghiệp sản xuất GKN trên địa bàn tỉnh sản xuất được xấp xỉ 200 triệu viên. Phần lớn sản phẩm GKN, gạch bê tông của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh ta đều đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; mức độ phát huy công suất của các dự án đã đầu tư đạt trên 60%; phần lớn sản phẩm GKN của các doanh nghiệp sản xuất ra được tiêu thụ hết. Một số doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất GKN như: Công ty TNHH Hoà Phát; Công ty Cổ phần Vật liệu không nung 567 và một số doanh nghiệp tại các huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Giao Thuỷ đã từng bước sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu tại chỗ của địa phương. Công ty TNHH Hòa Phát (thành phố Nam Định) hiện tại mỗi tháng có thể sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng hơn 5 triệu viên gạch bê tông xây theo TCVN 6477:2011, gạch terrazzo 2.000 m
2/tháng và gạch đá nhân tạo 10.000 m
2/tháng. Riêng gạch bê tông xây, ngoài hai dòng sản phẩm truyền thống là gạch đặc và gạch hai lỗ, Công ty đã nghiên cứu phát triển 4 dòng sản phẩm gạch rỗng mới với thể tích lớn hơn từ 5 - 8 lần so với gạch tiêu chuẩn truyền thống. Mỗi m
2 tường sẽ sử dụng ít gạch hơn từ 30 - 40% so với xây dựng bằng gạch tiêu chuẩn (210x100x60mm) truyền thống. Hiện nay, gạch bê tông xây cao cấp của Công ty đã được các chủ đầu tư tin tưởng sử dụng trong một số dự án lớn tại thành phố Nam Định như dự án Khu đô thị Dệt may, kè hồ Hàng Nan, xây dựng xưởng tại Công ty Giấy vở Hưng Thịnh, Công ty Cổ phần Cửa Hòa Phát...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được chương trình phát triển VLXKN của tỉnh ta vẫn còn bộc lộc một số khó khăn, hạn chế như: không chiếm lĩnh được thị trường xây dựng dân dụng mà mới chỉ được sử dụng phổ biến trong các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất gạch bê tông vẫn sản xuất gạch xây kích thước nhỏ (tương tự kích thước gạch đất sét nung truyền thống) nên không phát huy được ưu thế (có kích thước lớn, tỷ lệ rỗng cao giúp đẩy nhanh tiến độ thi công và giảm chi phí nhân công, vật liệu); lại phân bố phân tán ở nhiều địa phương, quy mô sản xuất manh mún nên cơ quan quản lý khó kiểm soát chất lượng cũng như hoạt động bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.
Bên cạnh đó, một khó khăn khác là mức đầu tư dây chuyền sản xuất VLXKN khá lớn, từ 10 - 12 tỷ đồng và phải mất tối thiểu 3 năm để thâm nhập thị trường, thay đổi thói quen sử dụng gạch nung truyền thống của người dân là một khó khăn với các doanh nghiệp ở địa phương hạn chế về tài chính. Ngoài ra, nguồn nguyên liệu để chuyển đổi sang sản xuất GKN cũng khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc do phải gánh thêm chi phí vận chuyển dẫn đến giá thành phẩm cao. Trên địa bàn tỉnh không có nguồn cát vàng, chủ yếu chỉ có cát đen dùng cho san lấp và xây trát, vì vậy để sản xuất GKN các doanh nghiệp đều phải nhập thêm cát từ các địa phương khác như Vĩnh Phúc, Việt Trì (Phú Thọ)…; nguyên liệu đá xây dựng và xi măng phải nhập từ Ninh Bình và Hà Nam.
Sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung là định hướng đúng, phù hợp với xu hướng phát triển xây dựng xanh của nước ta và thế giới. Tuy nhiên, để VLXKN phát triển bền vững, trong thời gian tới Sở Xây dựng tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò, chủ trương, xu thế phát triển VLXKN của Chính phủ, Bộ Xây dựng và của UBND tỉnh; từ đó góp phần thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền, đơn vị tư vấn, chủ đầu tư, các doanh nghiệp và người dân về việc phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng, thay đổi thói quen sử dụng gạch đất sét nung truyền thống. Xây dựng và công bố chiến lược phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, trong đó có định hướng phát triển VLXKN. Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng đối với các đơn vị sản xuất GKN; kiên quyết xử phạt nặng hoặc đóng cửa đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không tuân thủ các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, không thực hiện chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Không để phát sinh hoặc mở rộng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung; tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hạn chế sản xuất gạch đất sét nung để tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm VLXKN. Tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư sản xuất đa dạng các sản phẩm VLXKN mới với kích thước lớn, cấu kiện, tấm tường, vật liệu nhẹ để khai thác tối đa tính năng ưu việt của VLXKN, góp phần giảm thời gian thi công, giảm giá thành và nhân công xây dựng, góp phần tạo nên các công trình xây dựng.
VLXD.org (TH/ Báo Nam Định)