Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Phát triển vật liệu không nung

Cao Bằng: Cần có chính sách kích cầu phát triển vật liệu xây không nung

25/03/2021 - 10:20 SA

Sau 10 năm thực hiện Quyết định 567 ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung, các cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã từng bước được đầu tư công nghệ mới; các sản phẩm đa dạng, phong phú về chủng loại, chất lượng từng bước được hoàn thiện và nâng cao. Qua đó đã thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản xuất vật liệu xây dựng không nung, tạo ra các sản phẩm vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, sản xuất vật liệu xây không nung còn gặp nhiều khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, để phát triển tiềm năng, thế mạnh địa phương, cần có chính sách kích cầu.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Cao Bằng, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, việc phát triển vật liệu xây không nung đã góp phần giảm dần sử dụng gạch đất sét nung. Các đơn vị doanh nghiệp đã tham gia đầu tư, sản xuất vật liệu xây không nung được hỗ trợ ưu đãi đầu tư bằng các nguồn vốn từ chính sách khuyến công, đổi mới khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 13 đơn vị tham gia đầu tư, sản xuất vật liệu xây không nung với 15 nhà máy, dây chuyền. Các nhà máy đã được đầu tư và đi vào hoạt động sản xuất, chủ yếu sản xuất chủng loại gạch bê tông cốt liệu theo công nghệ ép rung thủy lực. Công suất thiết kế của các dây chuyền từ 25 triệu viên/năm, tổng công suất thiết kế khoảng 143,5 triệu viên/năm. Sản lượng sản xuất của 15 nhà máy trên địa bàn tỉnh đạt được 44,5 triệu viên, chiếm 31,01% so với tổng công suất thiết kế; có 4 - 6 đơn vị có khả năng đầu tư thêm dây chuyền, nhà máy, tăng sản lượng sản xuất, công suất thiết kế lên 30 - 40 triệu viên/năm. Các cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung đổi mới công nghệ, đa dạng mẫu mã, chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn xây dựng. Các huyện, thành phố đã chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện quy định sử dụng vật liệu xây không nung ngay từ khâu thiết kế, thẩm định dự án đầu tư xây dựng.


Theo nhận định của ông Vũ Bảo Lân, Giám đốc Công ty CP Sản xuất Vật liệu xây dựng Cao Bằng, việc sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung trở thành xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, sản phẩm mới này khó chen chân vào thị trường vật liệu xây dựng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trước hết nằm ở tâm lý người tiêu dùng lo ngại chất lượng vật liệu xây không nung. Công ty CP Sản xuất Vật liệu xây dựng Cao Bằng là một trong những doanh nghiệp tiên phong sản xuất vật liệu xây không nung, nhưng do tiêu thụ chậm khiến cho các doanh nghiệp phải dè chừng trước diễn biến thị trường bị thu hẹp.

Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra tiến độ đầu tư, sản xuất vật liệu xây, chất lượng sản phẩm của các đơn vị doanh nghiệp; kết hợp với công tác nghiệm thu công trình xây dựng cơ bản, công tác thẩm định công trình dự án trong việc sử dụng vật liệu xây không nung. Qua kiểm tra cho thấy, các Công ty, doanh nghiệp sản xuất gạch quy mô công nghiệp đều tuân thủ việc đăng ký và công bố chất lượng sản phẩm hàng hóa, chấp hành các quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đăng ký và được Sở Xây dựng công bố hợp quy sản phẩm các chủng loại gạch.

Ngoài các nhà máy quy mô lớn, tại các địa phương còn có hàng chục hợp tác xã, cơ sở, hộ cá thể tham gia sản xuất nhỏ lẻ theo công nghệ máy ép rung, máy ép thủy lực, cung ứng cho thị trường. Năng lực sản xuất vật liệu xây không nung cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra, nhưng sản lượng sản xuất và tiêu thụ thực tế còn thấp, các cơ sở sản xuất không phát huy được hết công suất thiết kế do khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây không nung. Nguyên nhân chính là do một số cơ sở, hộ cá thể, doanh nghiệp nhỏ sản xuất gạch bê tông - xi măng với công suất nhỏ lẻ, chưa chú trọng đến tiêu chuẩn chất lượng. Sản phẩm không đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn tiêu thụ ra thị trường, gây tác động tiêu cực cho người tiêu dùng về tâm lý lo ngại sử dụng vật liệu xây không nung.

Một số sản phẩm sản xuất của các cơ sở, hộ cá thể chưa được chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy, do vậy khó khăn cho việc tiêu thụ để xây dựng các công trình vốn ngân sách nhà nước. Số dự án cấp chủ trương sản xuất gạch không nung chủ yếu là loại xi măng - cốt liệu, các sản phẩm khác như vật liệu nhẹ chưa được quan tâm nhiều.

Mặt khác là do đại bộ phận người dân chưa có thói quen sử dụng gạch không nung; thiết kế kết cấu công trình còn nhiều khó khăn do nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về vật liệu xây không nung còn chưa đầy đủ về sản phẩm vật liệu xây không nung. Nguyên nhân cuối cùng liên quan đến chính sách đó là chưa có nhiều cơ chế khuyến khích mạnh từ phía Nhà nước dành cho các nhà sản xuất và các công trình sử dụng vật liệu xây không nung.

Trong khi Quyết định số 1868 ngày 31/10/2013 của UBND tỉnh về Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã đưa ra mục tiêu chung, là phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp; tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội. Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 50% vào năm 2015 và đến năm 2020 đạt 70% nhu cầu vật liệu xây.

Thời gian tới, tỉnh cần có thêm những chính sách ưu đãi đối với việc tiêu thụ sản phẩm gạch bê tông, nhất là các công trình đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước; có chính sách ưu đãi đối với các dự án sản xuất gạch bê tông; hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn vay để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất gạch bê tông có điều kiện tập trung đầu tư dây chuyền máy móc, đổi mới công nghệ sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Để Nhà nước chung tay với doanh nghiệp, các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng về chất lượng quy chuẩn vật liệu thân thiện môi trường này. Bên cạnh đó, cần hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật thi công, các định mức, đơn giá liên quan đến việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để có cơ sở áp dụng đồng bộ, tạo thuận lợi cho các đơn vị đưa sản phẩm này vào xây dựng các công trình.

VLXD.org (TH/ TH Cao Bằng)

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng