Công trình chung cư cao cấp sử dụng gạch không nung.
Bắt đầu thực hiện từ tháng 6/2015 đến nay đã có 3 dự án trình diễn công nghệ sản xuất gạch bê tông tại Hải Phòng, Thái Nguyên, Đà Nẵng; hỗ trợ kỹ thuật thực hiện 18 dự án nhân rộng với công suất thiết kế 700 triệu viên/năm trên phạm vi cả nước. Đã có trên 30 doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ để được vay vốn ưu đãi từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam và vốn vay thương mại từ Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam, với tổng kinh phí là 536 tỷ đồng để đầu tư và sản xuất gạch không nung.
Thị phần gạch không nung tăng lên 28% trên tổng số vật liệu xây dựng cả nước, giảm phát thải khí nhà kính gần 2 triệu tấn CO
2. Đã có hơn 1.500 công trình xây dựng sử dụng gạch không nung.
Dự án sẽ kết thúc vào năm 2020 với mục tiêu cắt giảm khí nhà kính trực tiếp ước tính là 383 ktonnes CO
2. Mức giảm phát thải khí nhà kính gián tiếp ước tính đạt 13.409 ktonnes CO
2 được tích lũy trong vòng 10 năm sau khi dự án kết thúc.
Để đạt được dự án có nhiều hợp phần khác nhau được triển khai ở các bộ (Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường cùng nhiều hiệp hội doanh nghiệp, viện nghiên cứu...). Ngoài việc xây dựng chính sách đối với việc phát triển công nghệ gạch không nung; kỹ thuật ứng dụng và vận hành công nghệ gạch không nung, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ này còn nhận được hỗ trợ vốn vay ưu đãi. Mục tiêu lâu dài là nhân rộng công nghệ gạch không nung để bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, Trưởng ban chỉ đạo cho biết để đạt mục tiêu đề ra dự án tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra.
Bà Akiko Fujii, Phó Giám đốc Quốc gia UNDP, thành viên ban chỉ đạo dự án cho rằng, dự án cần đưa ra cách thức tiếp cận sáng tạo, đổi mới, làm thế nào để đạt được chất lượng sản phẩm gạch không nung, xây dựng lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm, từ đó tăng thị phần gạch không nung trong tổng sản lượng gạch xây.
VLXD.org (TH/ VnExpress)