Những giải pháp của EVN
Hiện nay, khối lượng tro, xỉ thải ra từ các NMNĐ than của EVN khoảng 8,1 triệu tấn/năm. Trong đó, tại các NMNĐ than khu vực phía Bắc, tình hình tiêu thụ tro, xỉ tương đối tốt. Hầu hết các nhà máy đã ký hợp đồng với các đối tác bao tiêu tro, xỉ. Điển hình là các NMNĐ Phả Lại, Ninh Bình, Thái Bình đã tiêu thụ hết lượng tro, xỉ.
Tại các tỉnh phía Nam, dù các NMNĐ của EVN mới được đưa vào vận hành, nhưng cũng đã ký hợp đồng với các đối tác bao tiêu toàn bộ lượng tro, xỉ. Tuy nhiên, trong thực tế, các đối tác này vẫn tiêu thụ số lượng tro, xỉ chưa đáng kể.
Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân 1 phần do việc đấu thầu bán tro, xỉ tại một số NMNĐ than của EVN bán với giá cao, gây khó khăn đối tác trong quá trình đàm phán và tiêu thụ. Vậy thực tế việc này như thế nào?
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN khẳng định rằng, mục tiêu chính của EVN là tiêu thụ hết toàn bộ lượng tro, xỉ của các NMNĐ than trong dài hạn. Do đó, doanh thu từ việc bán tro, xỉ của không phải là mục tiêu cũng như ưu tiên hàng đầu của EVN.
Việc lựa chọn các đối tác mua tro, xỉ, trước tiên, chúng tôi căn cứ vào năng lực và giải pháp khả thi cũng như thời gian triển khai, sau đó mới tính tới giá bán tro, xỉ.
EVN đã và sẽ tiếp tục cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN có giải pháp tái sử dụng tro, xỉ hiệu quả được tiếp cận dễ dàng nguồn nguyên liệu này tại các NMNĐ than của Tập đoàn.
Mặt khác , chất lượng tro, xỉ là vấn đề được các đối tác thu mua hết sức quan tâm. Về vấn đề này, hiện các NMNĐ than của EVN đang sử dụng than nội địa và than nhập khẩu. Than nội địa chủ yếu là các loại than cám 5a, 5b và 6a có độ tro trung bình 29 - 37,5%. Đối với các NMNĐ than sử dụng than nhập khẩu, loại than sử dụng là bituminous và sub-bituminous có độ tro trung bình là 6 - 7%.
Các NMNĐ than của EVN đã phối hợp với các đơn vị kiểm định độc lập trong và ngoài nước như VinaControl, JCoal (Nhật Bản) lấy mẫu phân tích tro, xỉ. Căn cứ theo tiêu chuẩn TCVN 10302: 2014 về phụ gia hoạt tính tro bay dùng cho bê tông, vữa xây và xi măng và theo kết quả phân tích, tro, xỉ từ các NMNĐ than của EVN có chung đặc điểm là chất thải rắn công nghiệp thông thường; được phép tái sử dụng phục vụ cho mục đích xây dựng. Đối với tro, xỉ than nội địa, cần phải tinh lọc để giảm hàm lượng carbon xuống < 6% mới có thể sử dụng làm phụ gia xi măng.
Sản xuất gạch không nung từ tro xỉ nhiệt điện
Nhìn trước vấn đề này, năm 2014, TTCP đã có Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 về một số giải pháp thực hiện xử lý tro xỉ, thạch cao của NMNĐ, phân bón làm VLXD. Hơn 4 năm qua, các cơ quan ban ngành cũng đã có những hoạt động xúc tiến nhưng dường như kết quả còn nhiều hạn chế.
Tại Hội thảo “Sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các NMNĐ than làm vật liệu xây dựng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Xây dựng tổ chức vào tháng 9/2017, các cơ quan quản lý Nhà nước và chuyên gia đã đánh giá, tro, xỉ của các NMNĐ than là nguồn nguyên liệu có giá trị đối với những ngành sản xuất như: Sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD), xây dựng công trình giao thông, san lấp mặt bằng... Mặc dù vậy, hiện vẫn có những trở ngại nhất định khi tiêu thụ lượng tro, xỉ từ các NMNĐ than để sản xuất VLXD.
Mặc dù tro, xỉ của các NMNĐ than được đánh giá là chất thải rắn thông thường, phù hợp làm nguyên liệu cho ngành xây dựng, tuy nhiên, tới nay chưa có cơ quan quản lý Nhà nước nào được giao nhiệm vụ cấp chứng nhận tro, xỉ không phải là chất thải nguy hại. Do vậy, các DN vẫn đang sử dụng kết quả thí nghiệm, hoặc giấy chứng nhận của Viện Vật liệu xây dựng làm cơ sở hoạt động, như vậy là chưa đầy đủ thủ tục về mặt pháp lý.
Hiện các NMNĐ than của EVN đang sử dụng than nội địa và than nhập khẩu. Than nội địa chủ yếu là các loại than cám 5a, 5b và 6a có độ tro trung bình từ 29 - 37,5%. Đối với các NMNĐ than sử dụng than nhập khẩu, loại than sử dụng là bituminous và sub-bituminous có độ tro trung bình là 6 - 7%.
Đồng thời, tại Khoản 2, Điều 31 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải, phế liệu, về thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường (Nghị định 38) quy định: “Các chủ xử lý chất thải nguy hại đã được cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại được phép thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường”. Nhưng Nghị định 38 không quy định các DN vận chuyển khác (không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại) có được vận chuyển hay không. Điều này cũng gây ra khó khăn cho các DN tiếp nhận, vận chuyển tro, xỉ.
Hiện nay, EVN gặp khó trong việc tiêu thụ tro, xỉ do các NMNĐ than của EVN tại khu vực phía Nam nằm xa thị trường tiêu thụ, dẫn đến cước phí vận chuyển cao, làm tăng giá thành sản phẩm, giảm tính cạnh tranh so với các vật liệu xây dựng truyền thống. Hơn nữa, DN và người dân miền Nam chưa có thói quen sử dụng vật liệu xây dựng từ tro, xỉ.
Về vấn đề này, EVN cũng đã có một số giải pháp khắc phục như: chủ động xây dựng hồ sơ mời xử lý tro xỉ của các NMNĐ than trong dài hạn, với mục tiêu lựa chọn được các đối tác có đủ năng lực, có giải pháp khả thi, sẵn sàng hợp tác với các NMNĐ để tiêu thụ tro, xỉ lâu dài. EVN ưu tiên các đối tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật tái sử dụng tro, xỉ để sản xuất các loại vật liệu xây dựng lâu dài.
Ngoài ra, tại các NMNĐ than của EVN tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải và Vĩnh Tân, các tổng công ty phát điện đã lập dự án đầu tư bổ sung hệ thống đường ống dẫn tro bay tại cảng, tạo thuận lợi cho các đối tác dễ dàng tiếp nhận, vận chuyển bằng đường biển, giảm chi phí vận chuyển, tăng khả năng tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy.
Kiến nghị từ các nhà máy nhiệt điện của EVN
Theo ông Nguyễn Tài Anh, EVN kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước sớm ban hành, sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Cụ thể, sửa đổi Nghị định 38 và các thông tư hướng dẫn liên quan, xác định tro, xỉ là hàng hóa thông thường trong vận chuyển, lưu thông. Đồng thời, cần xác định rõ cơ quan có chức năng cấp chứng nhận tro, xỉ đạt tiêu chuẩn là hàng hóa/chất thải rắn thông thường; hướng dẫn quy trình, thủ tục xin cấp chứng nhận để các DN thực hiện.
Để khuyến khích phát triển thị trường tiêu thụ tro, xỉ tại Việt Nam, EVN cũng đề xuất bổ sung các quy định bắt buộc đối với các cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương và địa phương phải ưu tiên sử dụng sản phẩm sản xuất từ tro, xỉ trong các công trình xây dựng, san lấp… nhất lại tại các địa phương có các NMNĐ than.
Mặt khác, cũng cần có lộ trình ban hành quy định hạn chế và tiến tới cấm sản xuất vật liệu nung như kinh nghiệm của các nước. Đồng thời, cần có các cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác sử dụng các sản phẩm sản xuất từ tro, xỉ của NMNĐ than.
Tham khảo:
Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 về một số giải pháp thực hiện xử lý tro xỉ, thạch cao của NMNĐ, phân bón làm VLXD
Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải, phế liệu, về thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường
VLXD.org (TH/ EVN)