Việc làm này nhằm xóa bỏ “vấn nạn” khai thác đất sét tràn lan phục vụ hoạt động sản xuất gạch xây đất sét nung bằng lò thủ công tại địa phương.
Gạch không nung ở huyện Ngọc Hồi đang loay hoay tìm chỗ đứng.
Mục tiêu của chương trình là tiến tới phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông- lâm nghiệp. Từ đó, khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường được giảm thiểu, giảm chi phí xử lí phế thải của ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu hóa thạch, đem lại hiệu quả kinh tế chung. Các dự án đầu tư sử dụng lò nung theo công nghệ tiên tiến, hiện đại được đảm bảo nhằm đáp ứng yêu cầu về khả nặng chịu lực, an toàn vận hành, tiết kiệm tài nguyên và vệ sinh môi trường.
Để thực hiện được mục tiêu đó, thành phố Kon Tum xây dựng lộ trình cụ thể. Theo đó, đến năm 2020, thành phố sẽ phát triển sản xuất và sử dụng loại vật liệu xây dựng không nung thay thế gạch đất sét nung bằng lò thủ công tối thiểu đạt tỷ lệ 22% vào năm 2020. Đến năm 2025, việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công sẽ được chấm dứt hoàn toàn. Trong quá trình thực hiện, thành phố Kon Tum sẽ dừng đầu tư mới, đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất gạch đất sét nung theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Thông báo số 14/TB-VPCP ngày 9/1/2018.
Theo ông Nguyễn Xuân Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum, để chấm dứt sản xuất gạch thủ công chuyển từ công nghệ nung thủ công sang công nghệ khác như gạch không nung, các tỉnh khác hỗ trợ 10 - 15 triệu. Nhưng, địa phương chưa có chính sách hỗ trợ để chuyển đổi.
Hiện tổng sản lượng sản xuất gạch xây dựng trên địa bàn thành phố Kon Tum khoảng 164 triệu viên/năm; trong đó, sản xuất gạch xây bằng lò tuy nen mới chỉ có 5 dây chuyền với sản lượng 50 triệu viên/năm, có 2 cơ sở sản xuất gạch không nung nhưng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, đang phải tạm thời ngừng hoạt động. Toàn bộ gạch xây dựng hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào các lò thủ công.
Theo thống kê, thành phố Kon Tum có 202 cơ sở, 1 hợp tác xã với 310 lò thuộc địa bàn 5 xã, phường, sản lượng ước đạt khoảng 114 triệu viên/năm. Các lò gạch thủ công hoạt động mạnh khiến tình trạng khai thác đất sét thời gian qua diễn ra tràn lan tại tỉnh Kon Tum. Đã có trường hợp đối tượng khai thác đất sét trái phép tấn công nhà báo, uy hiếp người dân khi phản ánh tình trạng khai thác đất sét trái phép. Việc thực hiện lộ trình phát triển vật liệu xây không nung, tiến tới giảm dần, chấm dứt hoạt động sản xuất gạch xây đất sét nung bằng lò thủ công là cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển chung của ngành công nghiệp.
VLXD.org (TH/ TTXVN)