Tại hội thảo “Nhà xanh” do Câu lạc bộ Kiến trúc xanh TPHCM vừa tổ chức, nhiều kiến trúc sư đã nhận định rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng nhiệt độ trái đất gia tăng, mực nước biển trung bình tiếp tục dâng cao; các hiện tượng thiên tai như: bão, lụt… thất thường xảy ra thường xuyên là mối nguy cơ hiện hữu đe dọa môi trường sống của con người.
Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, nhất định phải hướng các công trình xây dựng theo hướng thân thiện với môi trường. Cụ thể phải đảm bảo được các yếu tố như sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Lựa chọn vật liệu xây dựng phù hợp, áp dụng công nghệ, trang thiết bị để đảm bảo sử dụng hợp lý, tiết kiệm tối đa năng lượng. Tận dụng các nguồn năng lượng sẵn có tại khu vực, năng lượng sinh thái, ánh sáng tự nhiên… Chia sẻ về vấn đề này, TS-KTS Trần Văn Thành, Giám đốc thiết kế Công ty ASA Studio cho biết, trong thiết kế công trình, cửa sổ phải thỏa mãn cả yếu tố về ánh sáng, tiện nghi nhiệt, cách âm và tính thẩm mỹ. Bên cạnh đó, hình dáng và kích thước của cửa sổ còn phụ thuộc vào cảnh quan và giao tiếp với môi trường bên ngoài để không gây ảnh hưởng đến các công trình xung quanh. Cũng theo ông Thành, trong tiêu chuẩn LOTUS, công trình phải có ít nhất 50% diện tích cửa sổ có tầm nhìn ra bên ngoài. Có thể nói rằng, nếu tuân thủ thiết kế xanh, hóa đơn tiền điện sẽ giảm rất nhiều do giảm được máy lạnh, điện chiếu sáng, nước nóng. Nếu thiết kế xanh, căn nhà sẽ có bầu không khí sạch, giảm thiểu bụi bặm và các hóa chất (có rất nhiều trong vật liệu xây dựng, đồ nội thất, các loại sơn, thảm trải nhà) giúp chúng ta giữ gìn sức khỏe, giảm các chi phí y tế.
Nhiều lợi ích từ việc đổi mới công nghệ
Đổi mới khoa học công nghệ đang là xu thế chung của các doanh nghiệp hiện nay. Điều quan trọng là làm cách nào để các doanh nghiệp tiếp cận và đổi mới công nghệ - công cụ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, quản trị năng lượng tốt hơn và nâng tầm vị thế cao hơn. Tại TPHCM, hoạt động đổi mới công nghệ luôn được quan tâm và thúc đẩy, bởi đây là vấn đề cốt lõi quyết định sự thành công trong chương trình sử dụng năng lượng hiệu quả của các doanh nghiệp. Việc đổi mới công nghệ không chỉ giúp nhân rộng mô hình sử dụng năng lượng hiệu quả mà còn giúp thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ hiệu quả cao. Chính vì thế, đổi mới công nghệ vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ, nằm trong khuôn khổ chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp của thành phố.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, sau 2 năm thực hiện, kết quả cho thấy, doanh nghiệp đang dần chủ động trong cải tiến công nghệ, nhân lực quản lý, kỹ thuật và năng lực cạnh tranh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu. Điều đáng nói là sau khi thấy được hiệu quả thực tế từ việc đầu tư thay đổi công nghệ mới, nhiều chủ doanh nghiệp đã có cái nhìn tích cực hơn về hoạt động tiết kiệm năng lượng, từ đó thay đổi quan điểm kinh doanh và không ngừng mong muốn cải tạo, nâng cấp hệ thống sản xuất để tăng hiệu quả kinh doanh hơn nữa.
Theo SGGP