Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Sản xuất xanh

Tiết kiệm năng lượng: Cần giải pháp bền vững

03/08/2013 - 10:36 SA

Giai đoạn 2000 – 2011, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện/GDP hàng năm của Việt Nam luôn ở mức 1,5 – 2,0 lần. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải giảm con số này xuống 1,5 vào năm 2015 và còn 1,0 vào năm 2020. Tuy nhiên, để thực hiện vấn đề này vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là khối sản xuất công nghiệp.


Lò thủy tinh không chì tiết kiệm điện của Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông

Tiềm năng rất lớn

Kết quả kiểm toán năng lượng tại các đơn vị trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho thấy, riêng lượng điện dùng cho sản xuất than hầm lò là 263.812.173 kWh/năm. Nếu áp dụng các giải pháp hợp lý, có thể tiết kiệm khoảng 28.465.333 kWh/năm, tương đương 25,7 tỉ đồng/năm. Điện tiêu thụ cho sản xuất than lộ thiên là 156,919 triệu kWh/năm, trong đó, có thể tiết kiệm khoảng 11,1 triệu kWh/năm (tương đương 10,17 tỉ đồng/năm). Điện tiêu thụ cho sàng tuyển khoảng 49.023.319 kWh/năm, tiềm năng tiết kiệm có thể đạt 4,9 triệu kWh/năm (tương đương 4,48 tỉ đồng/năm).

Với các đơn vị sản xuất cơ khí thuộc Vinacomin, tiềm năng tiết kiệm vào khoảng 10-12% (khoảng 1,8 triệu kWh/năm, tương đương 1,82 tỉ đồng/năm); các đơn vị sản xuất khai thác khoáng sản có thể tiết kiệm tới 7% điện tiêu thụ; các đơn vị vận tải kinh doanh, nếu sử dụng cây xăng di động cấp nhiên liệu cho các xe bánh xích tại khai trường, mỗi năm có thể tiết kiệm 1% nhiên liệu tiêu thụ (1,9 triệu lít dầu và 50.000 lít xăng).

Các ngành giấy, xi măng, sắt thép nếu tận dụng triệt để các giải pháp cũng có thể tiết kiệm 25 - 40% năng lượng tiêu thụ.

Cần hướng tới giải pháp hiệu quả và bền vững

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều đã đạt hiệu quả nhất định từ các giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL) đơn giản như: cải tạo hệ thống chiếu sáng, giao chỉ tiêu sử dụng điện, lắp biến tần cho thiết bị... Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc TKNL phải có tính hệ thống và bền vững thì mới khai thác hết tiềm năng.

Cụ thể, áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế; sử dụng các vật liệu TKNL; lắp đặt và vận hành các trang thiết bị có hiệu suất năng lượng cao; Tận dụng nhiệt khói thải lò hơi để gia nhiệt sơ bộ cho các lưu chất khác như nước cấp, dầu FO đốt lò để làm giảm năng lượng cho quá trình sản xuất. Bọc bảo ôn đường ống hơi để tránh thất thoát nhiệt; những động cơ hoạt động trong tình trạng non tải cần được lắp inverter để giảm tiêu thụ điện năng mà vẫn duy trì được các thông số kỹ thuật. Thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng cho động cơ, máy nghiền để tăng tuổi thọ, giảm tiêu hao năng lượng cho động cơ; có cán bộ chuyên môn quản lý năng lượng… Nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp có thể có thể tiết kiệm 30 - 40% năng lượng tiêu thụ trong khi mức vốn đầu tư này không quá cao, thời gian thu hồi vốn nhanh. Điển hình là Công ty Giấy Thiên Trí (Hóc Môn - TP.HCM) đầu tư gần 150 triệu đồng cho các giải pháp TKNL. Sau 1 năm, công ty đã tiết kiệm được 41,24 tấn dầu quy đổi (TOE), tương đương gần 110 triệu đồng và giảm phát thải hơn 180 tấn CO2.

Theo các chuyên gia, Chính phủ cần có cơ chế khuyến khích và giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của các DN hiện nay là huy động  vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng TKNL. Bên cạnh đó, việc quy trách nhiệm và chế tài xử lý còn thiếu và yếu. Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền rộng rãi, tăng cường tư vấn để người dân và DN nắm vững các giải pháp TKNL, Chính phủ phải có chế tài xử lý nghiêm minh, kiểm tra, giám sát tiêu thụ điện ở các DN. Có chính sách giá bán điện hợp lý theo giờ cao điểm, thấp điểm; giá điện theo mùa và theo nhóm đối tượng sử dụng. Từng bước loại bỏ rào cản về thể chế, cơ chế tài chính cho đầu tư năng lượng mới và tái tạo, khai thác hiệu quả nguồn thu từ cơ chế phát triển sạch CDM. Đẩy mạnh tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng chính sách, giải pháp thích hợp cho chương trình sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Áp dụng các biện pháp khuyến khích và bắt buộc đổi mới công nghệ, thiết bị của các ngành sử dụng nhiều điện như thép, xi măng, hóa chất...; cấm nhập khẩu các thiết bị, máy móc, dây chuyền, công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều điện năng… Làm được như vậy, DN không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao được năng suất, chất lượng. hạ được giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường… Tiếp tục đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ làm quản lý năng lượng.

Theo baocongthuong

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng