Thế giới nổi” giống như con thuyền Noah trong huyền thoại, cứu rỗi nhân loại khỏi cơn đại hồng thủy của thế kỷ XXI.
Trào lưu mớiKoen
Olthuis, sáng lập văn phòng kiến trúc Waterstudio tại Ryswick (Hà Lan),
quan niệm rằng việc xây dựng các tòa nhà nổi sẽ mở ra nhiều triển vọng
mới, vẽ ra những viễn cảnh mà trước đây chỉ thấy trong các phim giả
tưởng. Đó là một thế giới mới trên mặt nước, đầy đủ các tiện nghi và
được “thu nhỏ” từ chính cuộc sống trên cạn. Từ đây, khái niệm “cách mạng
xanh dương” trong quy hoạch đô thị ra đời, và nhận được nhiều sự quan
tâm từ các văn phòng kiến trúc trên thế giới.
Đa số các nhà kiến
trúc ủng hộ trào lưu mới “xanh dương” đều cùng có chung một nhận định:
các vùng dân cư đồng bằng sẽ bị quá tải trong tương lai. Đây cũng là
những khu vực chịu tác động trực tiếp của hiện tượng nước biển dâng cao
do biến đổi khí hậu như hứng chịu thường xuyên hơn các trận lũ lớn với
sức tàn phá ngày càng mạnh.
Do vậy, thế kỷ 21 được coi là thời
gian của những thành phố mới nổi trên biển, góp phần nâng cao chuẩn sống
của người dân, giải quyết được tình trạng khan hiếm chỗ ở nhưng cũng
giúp bảo vệ hệ sinh thái.
Như vậy nhiều cuộc di dân hàng hải mới
sẽ phải được lên kế hoạch trong thế kỷ này. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu
loài người hiện nay đã có đủ khả năng để đối phó với những cơn sóng và
xây dựng thành phố hàng hải bền vững hay chưa? Kiến trúc sư Koen Olthuis
khẳng định, với những tiến bộ khoa học công nghệ, đã đến lúc nhân loại
bước vào cuộc chinh phục biển cả, được dự báo sẽ rất dài và đầy khó
khăn.
“Sau những thử nghiệm đầu tiên về các tòa nhà nổi tại Hà
Lan, chúng tôi đang nghiên cứu tính khả thi xây những khu phố trên những
hộp bê tông nổi dài 100m. Những hộp này được thiết kế sao cho chúng có
thể lắp ráp lại với nhau. Một khi đã được hợp lại, chúng sẽ có được một
độ vững chắc thật sự do kích cỡ của toàn khối. Để tránh cho những hộp bê
tông đó bị trôi dạt, chúng tôi sẽ cắm neo sâu vào đáy biển. Chúng tôi
sắp đặt các không gian kiến trúc sao cho ánh sáng vẫn có thể lọt vào
lòng biển mà không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái”, ông Koen Olthuis
chia sẻ.
Những khối xây dựng lớn như vậy có thể sẽ được đặt ở
những vùng đất lấn biển hay tại những vũng nước đã được thông dòng. Hiện
có rất nhiều công nghệ hấp dẫn, đang được nghiên cứu và sẽ sớm đưa vào
thực tiễn nhằm xây dựng những tòa nhà khổng lồ, có thể tiếp nhận đến
hàng ngàn người. Tuy nhiên, mọi việc chỉ mới ở giai đoạn đầu của một
cuộc phiêu lưu mới trên biển và đại dương, với tư tưởng và tầm nhìn của
những nhà kiến thiết hướng tới một tương lai khác biệt.
Tại Trung
Quốc, tập đoàn xây dựng viễn thông đã đặt hàng văn phòng thiết kế
ATDesign của Anh một dự án cơ sở hạ tầng cực kỳ quan trọng: thiết kế một
khu phố sinh thái diện tích 10 km², được xây trên những hộp bê tông
nổi. Dự án bao gồm hai cầu cảng, một dành cho các du thuyền, và một dành
cho các thương thuyền.
Dưới mặt nước, những quả cầu bằng thủy
tinh sẽ được thiết kế như căn hộ, các cửa hiệu, rạp chiếu bóng. Còn tại
quần đảo Kiribati, một đảo quốc nhỏ chỉ có 110.000 cư dân nằm trên Thái
Bình Dương, các kiến trúc sư cũng toan tính xây một đảo nổi dành cho
những người tị nạn do thảm họa môi trường.
Hiện có hai dự án đang
được nghiên cứu tại Kiribati. Dự án thứ nhất bao gồm toàn bộ 3 đảo nhỏ
được phủ thảm thực vật, nông nghiệp, có chứa một khu dân cư khổng lồ, do
công ty xây dựng Nhật Shimizu Corp đề xuất.
Dự án thứ hai do
kiến trúc sư người Bỉ Vincent Callebaut thiết kế. Đảo nổi đó có tên gọi
là Lilypad, có hình dạng bông hoa súng. Dự án bao gồm nhiều chung cư có
sân vườn, được trang bị bằng tấm pin năng lượng mặt trời hay băng những
tuốc bin nước. Công trình này có thể chứa đến 30.000 người, ước tính đến
1,5 tỷ euro.
Đừng bỏ quên “xanh lá”Hiện
thực hóa giấc mơ “xanh dương” không có nghĩa là bỏ quên hoàn toàn hệ
sinh thái, được các kiến trúc sư đặt ra như là một vế chiến lược. Đó là
làm thế nào sử dụng lại và củng cố thêm các nguyên tắc xây dựng “xanh
lá” (tức theo chuẩn môi trường sống phù hợp cho con người).
Nói
cách khác, sự hình thành các thành phố nổi phải dựa trên các tiêu chí
xanh và sạch, nghĩa là sử dụng nguồn năng lượng bền vững, phủ cây xanh
trên sân thượng và mái nhà, đưa các tòa nhà vào hệ sinh thái địa phương,
hay thiết kế nhà theo các hình dạng tự nhiên.
Ngoài việc giải
quyết được vấn đề chỗ ở cho người dân thế giới trong tương lai, các công
trình xây nổi trên mặt nước còn là một giải pháp khá hữu hiệu cho các
vấn đề khan hiếm đất canh tác và cạn kiệt nguồn thủy sản và lương thực.
Đây
cũng là một trong những mối bận tâm hàng đầu của Tổ chức Lương thực
& Nông nghiệp (FAO). Do vậy, kiến trúc cộng sinh và hạn chế ô nhiễm
là một trong những ý tưởng chính của trào lưu “xanh dương” này.
Từ
luận điểm trên, những người chủ trương ủng hộ cách mạng xanh dương cho
rằng ngành chăn nuôi thủy sản sẽ là ngành chủ đạo trong tương lai, do
mức tăng trưởng trong lãnh vực này đã tăng lên theo hàm số mũ từ nhiều
năm qua. Không những ngành này có thể cung cấp đủ lượng cá và các loại
hải sản để nuôi sống nhân loại, mà còn có thể hạn chế được hiểm họa cạn
kiệt nguồn cá dự trữ trong thiên nhiên do ngành công nghiệp đánh bắt gây
ra.
Do đó, quy hoạch đô thị “xanh dương” có thể kết hợp giữa môi
trường sống với môi trường sản xuất theo một mô hình vòng tròn kinh tế.
Nghĩa là liên kết nuôi trồng thủy hải sản thông thường với trồng rau
thủy canh bằng cách tái sử dụng các chất dinh dưỡng do chất thải từ các
thành phố nổi đem lại.
Mô hình này sẽ cho phép nuôi sống dân cư
tại những khu đô thị duyên hải. Bên cạnh đó, mô hình kinh tế dạng này
không đòi hỏi nhiều diện tích, chỉ cần 1% diện tích mặt biển dành cho
nuôi trồng thủy hải sản là đủ nuôi sống cả nhân loại.
Cho dù
nhiều người vẫn hoài nghi về tính khả thi của thế giới nổi, những gì các
nhà kiến trúc và quy hoạch mô tả đều cho nhân loại cảm giác đang đi
giữa lòng một huyền thoại thánh kinh, thiết kế một con thuyền Noah để
cứu rỗi chính mình khỏi cơn đại hồng thủy của thế kỷ 21…
Theo Khánh Ly (MOITRUONG.COM.VN/TH CAND)