Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Xi măng

Thị trường xi măng thế giới và xu hướng của các nhà nhập khẩu (P1)

28/07/2015 - 06:39 CH

Loạt bài viết này được chúng tôi tổng hợp dựa trên những phân tích, đánh giá của TS. Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Thương mại, thông qua đó, sẽ giúp các doanh nghiệp xi măng Việt Nam có một cái nhìn tổng quan nhất về thế giới cùng những xu hướng của các nhà nhập khẩu xi măng, trên cơ sở đó sẽ có những bước đi chiến lược nhằm khai thác và mở rộng thị trường xuất khẩu.
>> Những vấn đề về xuất khẩu của ngành xi măng
>> Xuất khẩu xi măng và clinker: DN Việt “đuối” sức cạnh tranh


Phần 1: Tổng quan thị trường xi măng thế giới


1. Tình hình sản xuất

Trên thế giới hiện nay có khoảng hơn 160 nước sản xuất xi măng, tuy nhiên, các nước có ngành công nghiệp xi măng chiếm sản lượng lớn của thế giới thuộc về Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước như khu vực Đông Nam Á là Thái Lan, Indonesia, Việt Nam. Trong thập kỷ qua, toàn cầu tăng mạnh từ mức 1.383 triệu tấn năm 2002 lên mức 3,8 tỷ tấn năm 2012 và 4,0 tỷ tấn năm 2013, với mức tăng trưởng đạt 84%; gần 73% trong tổng mức tăng trưởng này bắt nguồn từ việc mở rộng ngành ở các nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng thuộc khu vực Đông Nam Á và sự đóng góp của các quốc gia ở châu Á khác và khu vực Nam, Trung Mỹ, châu Phi và Trung Đông.

Dự báo, hoạt động sản xuất kinh doanh xi măng toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong 15 năm tới, đưa khối lượng xi măng dự kiến lên khoảng 4.223 triệu tấn/năm vào năm 2015 và 5.901 triệu tấn vào năm 2025. Điều  này cho thấy tổng công suất mở rộng thêm sẽ đạt mức xấp xỉ 78%. Việc mở rộng công suất trong nửa thập kỷ được dự kiến sẽ đạt xấp xỉ 27,5% trong giai đoạn từ 2010 đến 2015, và giảm xuống 20% trong nửa thập kỷ tiếp theo và xuống 16% trong giai đoạn giữa 2020 và 2025.

Biểu đồ Dự báo tăng công suất xi măng theo vùng đến năm 2025
 

2. Tình hình tiêu thụ:

Nhu cầu tăng lên khá nhanh trong giai đoạn từ 2002 - 2013. Cụ thể, năm 2002, nhu cầu xi măng toàn thế giới đạt 1,7 tỷ tấn, tăng lên 2,16 tỷ tấn năm 2004 và đạt gần 3,6 tỷ tấn năm 2012 và khoảng 4,2 tỷ tấn năm 2013; hơn 76% sẽ đạt được ở châu Á với khối lượng tiêu thụ tăng khoảng 1.561 triệu tấn ở Đông Á, 285 triệu tấn ở Tây Nam Á và 139 triệu tấn ở Đông Nam Á. Trung Đông sẽ đạt kỷ lục về sức tiêu thụ tăng gần 150 triệu tấn, với công suất mở rộng khoảng 137 triệu tấn ở và 108 triệu tấn ở Nam và Trung Mỹ. Các nước tiêu thụ lớn trong những năm qua gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Ai Cập, Pháp, Đức...

Theo dự báo, đến năm 2025, nhu cầu xi măng toàn cầu sẽ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 3,6%/năm. Nhu cầu xi măng có sự chênh lệch lớn giữa các khu vực trên thế giới: ở các nước đang phát triển đạt 4,3%/năm, riêng châu Á bình quân 5%/năm, các nước phát triển xấp xỉ 1%/năm.

Biểu đồ dự báo tiêu thụ xi măng toàn cầu đến năm 2025
 

3. Thương mại xi măng thế giới

Theo thống kê của Trung tâm Thương mại thế giới (ITC) công bố năm 2015: Kim ngạch trên thế giới trong thời gian qua tăng trưởng tương đối chậm và biến động thất thường qua các năm. Cụ thể, năm 2007, tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng toàn cầu đạt 10.177,7 triệu USD thì năm 2009 giảm xuống còn 9.719,5 triệu USD và năm 2013 tăng lên đạt 11.994,3 triệu tấn.

Thị phần kim ngạch xuất khẩu xi măng thế giới giai đoạn 2007-2013 có những biến động với xu hướng giảm thị phần của các nước: Trung Quốc, Đức, Thái Lan; trong khi đó Việt Nam lại tăng tỷ trọng xuất khẩu một cách nhanh chóng. Cụ thể: năm 2007, Trung Quốc, Đức, Thái Lan xuất khẩu đạt lần lượt là 11,3%, 6,5% và 6,1% và Việt Nam đạt con số 0% thì đến năm 2009 các con số tương ứng đã thay đổi là 7,1%, 6,9%, 6,3% và Việt Nam chiếm 0,1%; năm 2013 con số này là 6,6%, 49%, 4,4% và Việt Nam tăng vọt với tỷ trọng xuất khẩu chiếm tới 5,0% tổng giá trị xuất khẩu xi măng toàn cầu.

Cũng theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại thế giới (ITC) giống như xuất khẩu, tăng trưởng nhập khẩu xi măng thế giới hàng năm cũng thay đổi thất thường trong giai đoạn 2007-2013. Cụ thể, năm 2007, tổng kim ngạch nhập khẩu xi măng toàn cầu đạt 13.401,4 triệu USD thì năm 2009 giảm xuống còn 11.241,1 triệu USD và tăng lên đạt 13.452,2 triệu USD vào năm 2013.

Thị phần kim ngạch nhập khẩu xi măng thế giới trong giai đoạn 2007-2013 cũng có những biến động thất thường. Trong giai đoạn 2007-2013, thị phần nhập khẩu xi măng của Hoa Kỳ, Pháp có xu hướng giảm trong tổng kim ngạch nhập khẩu xi măng thế giới thì Srilanka, Angieri lại gia tăng tỷ trọng nhập khẩu một cách nhanh chóng. Cụ thể, năm 2007, Hoa Kỳ, Pháp với các con số lần lượt là 13,2%, 3,5% thì đến năm 2009 các con số tương ứng là 5,5%, 3,6% và năm 2013 con số này là 4,7%, 3,1% tổng giá trị nhập khẩu xi măng toàn cầu.

Đánh giá về các chỉ số thương mại đối với xuất khẩu xi măng của các nhà xuất khẩu xi măng thế giới cho thấy, Trung Quốc đang là nhà xuất khẩu xi măng hàng đầu thế giới; tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam đang là quốc gia có kim ngạch xuất khẩu xi măng lớn thứ 3 trên thế giới với khối lượng đạt khoảng trên 8 triệu tấn và kim ngạch đạt 600 triệu USD, chiếm 5,0% thị phần xuất khẩu xi măng toàn thế giới năm 2013 (năm 2014 với khoảng 20 triệu tấn).

Đặc biệt, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu xi măng rất ấn tượng trên bản đồ các nhà xuất khẩu xi măng hàng đầu thế giới với tốc độ bình quân đạt tới 257%/năm giai đoạn 2009-2013. Nếu tính cả năm 2014 thì con số này sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, xem xét về khoảng cách trung bình đến các quốc gia nhập khẩu thì Đức là quốc gia có khoảng cách vật chuyển ngắn nhất với khoảng cách trung bình vào khoảng 877km, trong khi đó Việt Nam ở mức 5.084km, chỉ thấp hơn các quốc gia là Nhật Bản (5.438km), Trung Quốc (7.793km), Hàn Quốc (9.932km).

Bảng các Chỉ số thương mại của các nhà xuất khẩu xi măng thế giới
 

Xét theo các chỉ số thương mại nhập khẩu xi măng của các nhà xuất khẩu trên thế giới cho thấy, Hoa Kỳ đang là quốc gia có kim ngạch nhập khẩu xi măng lớn thứ nhất trên thế giới với khối lượng đạt khoảng trên 7 triệu tấn và kim ngạch đạt 636 triệu USD, chiếm 4,7%; tiếp đến là Srilanca với kim ngạch nhập khẩu 520,8 triệu USD và chiếm 3,9% thị phần nhập khẩu xi măng toàn thế giới năm 2013.

Xét mức thuế của các nước áp dụng đối với nhập khẩu xi măng thì Gha-na là quốc gia có mức thuế đánh vào xi măng nhập khẩu cao nhất 13,7%, tiếp đến Angieri với 12,8%, Ả rập xê út và Oman đều áp mức thuế là 4,6% và Srilanka 3,3%, Nga 2,3%.

Tuy nhiên, xem xét về khoảng cách trung bình của các nhà nhập khẩu xi măng thì Ghana là quốc gia có khoảng cách vận chuyển dài nhất (6.773km), tiếp theo là Hoa Kỳ ở mức 5.184km, thấp nhất là Oman chỉ với 285km và Hà Lan là 373km.

Bảng các Chỉ số thương mại của các nhà nhập khẩu xi măng thế giới
 

>> Đón đọc Phần 2:
Dự báo xu hướng tìm kiếm nguồn cung của các nhà nhập khẩu xi măng quốc tế

Mạnh Thân (TH)
(Nguồn: TS.Phạm Nguyên Minh - Viện nghiên cứu Thương mại)

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng