Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Diễn đàn Vật liệu xây dựng BMF

Gốm sứ xây dựng Việt Nam – 60 năm một chặng đường phát triển (P3)

29/05/2018 - 03:34 CH

Theo xếp hạng của tạp chí chuyên ngành gốm sứ hàng đầu thế giới Ceramic World Review thì năm 2016 gốm sứ xây dựng Việt Nam đứng hàng thứ 5 sau Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Tây Ban Nha về sản lượng sản xuất và tiêu thụ. Năm 2017, tiếp tục là một năm tăng trưởng mạnh về đầu tư. Dự kiến mức xuất khẩu gồm sứ xây dựng Việt Nam năm 2018 đến 2020 lần lượt là 400 triệu USD, 500 triệu USD và 600 triệu USD.
>> Gốm sứ xây dựng Việt Nam – 60 năm một chặng đường phát triển (P2)

>> Gốm sứ xây dựng Việt Nam – 60 năm một chặng đường phát triển (P1)

III. Lĩnh vực sứ vệ sinh

1. Sự tăng trưởng đầu tư

Trước năm 1994, sứ vệ sinh Việt Nam chưa phát triển. Các nhà máy sứ vệ sinh chỉ sản xuất ra các sản phẩm đơn giản như tiểu treo, bồn cầu xổm, ... cỡ nhỏ ở dạng bán sứ. Nhà máy sứ Thiên Thanh được tiếp thu lại sau giải phóng, tuy có sản xuất sản phẩm bệt nhưng cũng chỉ ở dạng bán sứ.

Cũng bắt đầu từ 1994, nhà máy sứ vệ sinh công suất 70.000 sản phẩm/năm với sản phẩm là chậu rửa, bệt rời và bệt liền Thanh Trì được Tổng Công ty Viglacera khởi xướng đầu tư với thiết bị và công nghệ đồng bộ của Italia do hãng Welko cung cấp đã đánh dấu một thời kỳ phát triển mới của ngành sứ xây dựng Việt Nam. Sản phẩm sứ đích thực (độ hút nước 0%) đã ra đời từ đây.

Sau Thanh Trì, Sứ Thanh Thanh cũng nhập thiết bị và công nghệ từ Pháp và sau đó việc xuất hiện các liên doanh giữa Inax và Hà Nội, cũng như các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài như Inax, American Standard, Toto đã bùng lên làn sóng đầu tư các nhà máy sản xuất sứ vệ sinh. Một loạt các nhà máy sứ khác ra đời từ các Tổng Công ty VLXD số 1, Tổng công ty VLXD miền Trung, đặc biệt là Tổng Công ty Viglacera với 3 nhà máy sứ mới công suất 1,5 triệu sản phẩm/năm như Thanh Trì, Việt Trì, Bình Dương. Bên cạnh đó các doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh. Vùng Thái Bình phát triển rất mạnh với các nhà máy Dolacera, Long Hầu, … đặc biệt là sứ Hảo Cảnh với công suất trên 2 triệu sản phẩm/năm. Nếu năm 2005, công suất mới chỉ đạt 9 triệu sản phẩm/năm thì đến 2016 cả nước đã đạt tới 19,3 triệu sản phẩm/năm và năm 2017 đã đạt tới 20,5 triệu sản phẩm/năm.
 
2. Về công nghệ và sản phẩm

- Có thể nói những nhà máy và sản phẩm top trên như Toto, Inax, Viglacera đều cập nhật công nghệ quốc tế, sản phẩm đáp ứng yêu cầu các công trình xây dựng, yêu cầu chất lượng và thẩm mỹ.

- Công nghệ đảm bảo cho sản xuất ra các sản phẩm đa dạng, các bộ bệt rời và liền khối nhiều kiểu dáng kích thước lớn cũng như nhiều sản phẩm sứ vệ sinh khác làm phong phú thị trường sứ vệ sinh Việt Nam, đảm bảo cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

- Thị trường trong nước đã không ngừng mở rộng, đặc biệt là ngày càng mở rộng đến thị trường nông thôn rộng lớn.

- Thị trường xuất khẩu cũng phát triển không ngừng. Nếu năm 2005, mới xuất khẩu được 13,6 triệu USD thì liên tục 10 năm sau đó, tăng trưởng xuất khẩu đạt trên 20%/năm, đến 2013 đạt 103,2 triệu USD, năm 2014 đạt 130 triệu USD. Sứ vệ sinh Việt Nam đã có mặt ở nhiều quốc gia như Italia, Australia, các nước Đông Âu, Nhật Bản và các nước trong khu vực.

- Do sự phát triển sứ vệ sinh trong nước mạnh mẽ và đi đúng hướng với các nhà máy công nghệ cao cùng với các nhà máy tầm trung bình nên vừa phục vụ cho thị trường xuất khẩu, vừa đáp ứng tiêu dùng nội địa, vừa kiềm chế nhập khẩu, chính vì thế lượng xuất khẩu ngày càng tăng nhưng lượng nhập khẩu chỉ từ 3,56 triệu USD/năm 2005 nhưng vẫn dưới 9 triệu USD/năm 2014.

Cũng như gạch ceramic, sứ vệ sinh cũng được giải phóng sức sản xuất, tạo nên sự phát triển thần kỳ trên cơ sở các chủ sở hữu là các công ty cổ phần và tư nhân.

3. Sứ vệ sinh Việt Nam sẽ phát triển bền vững

Sự phát triển về công nghệ và sản phẩm cập nhật quốc tế, đó là điều chắc chắn với sứ vệ sinh Việt Nam.

Cùng với gạch ốp lát, sứ vệ sinh xuất khẩu đạt tới trăm triệu USD, chiếm 30 – 35% giá trị doanh thu sứ vệ sinh toàn ngành đã chứng tỏ rằng tiềm năng phát triển lĩnh vực này ngày càng triển vọng. Với điều kiện tài nguyên cũng như các nguồn lực khác sẵn có, nhất là nguồn nhân lực kỹ thuật được đào tạo qua hàng chục năm làm sứ, chắc chắn ngành sản xuất sứ vệ sinh Việt Nam sẽ ngày càng phát triển.
 
V. Kết luận

60 năm ngành xây dựng Việt Nam cũng là 60 năm ceramic Việt Nam phát triển từ vật liệu xây lợp như gạch ngói đất nung đến gạch ốp lát và sứ vệ sinh. Gạch ngói, gạch ốp lát và sứ vệ sinh Việt Nam đã trải qua những chặng đường gian nan nhưng đầy sáng tạo và đột phá, đặc biệt là 1/4 thế kỷ phát triển gần đây. Đó chính là thời kỳ bùng nổ của sự phát triển đầu tư, công nghệ gắn kết với thị trường trong nước và xuất khẩu. Đó chính là thành quả lao động sáng tạo của cán bộ công nhân ngành ceramic Việt Nam mà sự đổi mới đất nước đã đem đến cho họ động lực để tạo ra những kỳ tích hôm nay cũng như đã và đang mở ra triển vọng ngày càng tươi sáng.
(Hết)
 
Đinh Quang Huy - Chủ tịch HH Gốm sứ xây dựng Việt Nam

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng